Ngày 13/8, Chính phủ Hà Lan cho biết nước này có thể sẽ đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul và đang khẩn trương triển khai kế hoạch đưa một số nhân viên trở về nước, trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực này có thể sụp đổ.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Sigrid Kaag thông báo Hà Lan đã dự định duy trì hoạt động của Đại sứ quán càng lâu càng tốt, song điều này được chứng minh là không thể thực hiện nếu Kabul bị lực lượng Taliban bao vây hoặc bị lực lượng Hồi giáo này chiếm đóng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan Tessa van Staden đã xác nhận việc rút nhân viên khỏi Đại sứ quán, nhưng không nêu rõ còn lại bao nhiêu người do lo ngại vấn đề an ninh.
Cùng ngày, Đài truyền hình Hà Lan NOS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ank Bijleveld cho biết số lượng phiên dịch người Afghanistan và nhân viên địa phương phải di tản lên đến “vài chục người."
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hà Lan vào tuần trước đã kêu gọi công dân nước này nhanh chóng rời khỏi Afghanistan, đồng thời cảnh báo Đại sứ quán không thể hỗ trợ hoặc di tản họ.
[Đức và Hà Lan đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan]
Taliban đã giành quyền kiểm soát thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan, trong khi đó những thất bại đã làm dấy lên lo ngại rằng thủ đô Kabul có thể rơi vào tay lực lượng nổi dậy khi mà lực lượng nước ngoài hoàn thành việc rút quân khỏi đất nước này sau 20 năm.
Trong tuần này, một quan chức quốc phòng Mỹ dẫn nguồn tin từ lực lượng tình báo Mỹ đánh giá Taliban có thể áp sát Kabul trong khoảng 30 ngày tới.
Cùng ngày 13/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moskva không hài lòng với những diễn biến hiện tại ở Afghanistan và kêu gọi nối lại cuộc đàm phán hòa bình.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi không hài lòng chút nào với diễn biến này, chúng tôi cho rằng cần phải nối lại tiến trình đàm phán (trong nội bộ Afghanistan)."
Lời kêu gọi trên diễn ra trong bối cảnh, Taliban đã giành được nhiều thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan, trong đó có Kandahar, Herat và Pol-e-Khomri, trong vòng một tuần./.