Hà Lan hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Theo Chủ tịch VCCI, Hà Lan có thể cung cấp các giải pháp hữu hiệu giúp Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng cứng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp.
Hà Lan hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững ảnh 1Một góc Cần Thơ. (Nguồn: TTXVN)

Tối 8/4, tại thành phố Cần Thơ, Cơ quan đại diện ngoại giao Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long.

Diễn đàn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan gặp gỡ, trao đổi những giải pháp đổi mới sáng tạo và các kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực nước, nông nghiệp và hậu cần nhằm giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. 

Theo Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman, để cụ thể hóa những dự án hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại khu vực này.

Tại Vĩnh Long, Chính phủ Hà Lan đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại 19,5 triệu USD cho dự án trị giá 202,2 triệu USD hỗ trợ tỉnh này thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ người dân trước rủi ro lũ lụt. Khoản viện trợ này được tỉnh Vĩnh Long dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước ở thành phố Vĩnh Long.

[Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết bền vững đáp ứng xu hướng mới]

Từ những dự án đã và đang triển khai hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam; trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi rác thải nông nghiệp thành năng lượng ở tỉnh Hậu Giang; dự án trung tâm logistics và cảng hạ lưu Cái Mép Hạ..., các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Lan đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân đồng bằng thuận thiên với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường và giải pháp quản lý nguồn nước vừa đảm bảo sinh hoạt vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp...

Theo chuyên gia nước Hà Lan Sepehr Eslami, xâm nhập mặn tăng cao trong thời gian ngắn; hệ thống nước ngầm bị sử dụng quá mức ở khu vực nông thôn là vấn đề cần sớm triển khai các giải pháp để hạn chế vấn nạn sụt lún đất hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Lan hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững ảnh 2Các khách mời chia sẻ về công nghệ và các dự án quản trị nước của Hà Lan. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Những giải pháp cần được triển khai như hướng dẫn người dân thay đổi phương thức canh tác giúp thích ứng với xâm nhập mặn và sụt lún đất; tưới tiết kiệm thay thế cho tưới tràn; lưu trữ lượng nước ngọt sâu dưới lòng đất vừa cung cấp được nước vào mùa khô vừa giảm được tình trạng sụt lún; lắp đặt hệ thống thẩm thấu nước ngọt (dự án đã và đang triển khai ở tỉnh Trà Vinh)...

Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Hà Lan có lợi thế về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, logistics, cảng biển, quản lý nguồn nước… trong khi Đồng bằng sông Cửu Long lại có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu hoàn thiện hạ tầng logistics, nguồn lao động dồi dào. Đây là nền tảng để hai bên có thể phối hợp và hỗ trợ tốt cho nhau.

"Hà Lan có thể cung cấp các giải pháp hữu hiệu giúp Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng cứng cũng như về biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và ngược lại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ phía Hà Lan để khai thác tốt lợi thế, tiềm năng trong thời gian tới," ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục