Hà Lan điều tra 4.000 thỏa thuận thuế của các công ty quốc tế

Việc Hà Lan giảm thuế cho các tập đoàn quốc tế lớn hoạt động tại nước này đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm sau khi Hồ sơ Paradise rò rỉ tài liệu cho thấy có sai phạm về quy định thuế với P&G.
Trụ sở hãng Nike tại Hà Lan. (Nguồn: Daily Mail/TTXVN)

Ngày 8/11, Bộ Tài chính Hà Lan tuyên bố sẽ xem xét lại 4.000 thỏa thuận thuế ký giữa chính phủ nước này và các công ty quốc tế trong giai đoạn từ năm 2012-2016 nhằm xác minh độ hợp pháp của các thỏa thuận này khi được ban hành.

Việc Hà Lan giảm thuế cho các tập đoàn quốc tế lớn hoạt động tại nước này đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm sau khi Hồ sơ Paradise rò rỉ tài liệu cho biết có sai phạm trong soạn thảo quy định về thuế đối với tập đoàn hàng tiêu dùng Procter&Gamble của Mỹ.

Bộ Tài chính Hà Lan đã thừa nhận sai phạm này, theo đó, việc soạn thỏa thuận không đáp ứng đúng quy định như chỉ được một tranh tra viên của cơ quan thuế ký vào hợp đồng.

Procter&Gamble từng bị nghi là trốn thuế ước tính khoảng 169 triệu USD trong một thỏa thuận hồi năm 2008.

Phía tập đoàn này đã bác bỏ sự liên quan tới bất kỳ hình thức trốn thuế nào.

[Vụ Hồ sơ Paradise: Tỷ phú trẻ nhất Anh bị cáo buộc có liên quan]

Trong thư gửi lên Quốc hội, Thứ trưởng Tài chính Hà Lan Menno Snel cho biết sẽ tiến hành điều tra đối với hơn 4.000 thỏa thuận về thuế áp cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Hà Lan, có được ban hành theo đúng quy định hay không.

Trong những năm gần đây, Hà Lan đang chịu nhiều áp lực đòi siết chặt kiểm soát thuế trong bối cảnh các công ty đa quốc gia đã chuyển hàng nghìn tỷ USD/năm qua nước này để tới các "thiên đường thuế."

Hồi tháng trước, Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ nỗ lực để giải quyết tình trạng trên, đồng thời cam kết giảm thuế doanh nghiệp để khuyến khích các công ty nước ngoài chuyển hoạt động sang nước này...

Hồ sơ Paradise do Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) công bố gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác.

Số tài liệu này ban đầu được báo Nam Đức (SZ) nắm được và sau đó chia sẻ với ICIJ và các đơn vị truyền thông đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục