Ngày 11/1, Diễn đàn Chống khủng bố Toàn cầu (GCTF) và cuộc họp của Liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng đã diễn ra tại La Hay, Hà Lan.
Nước chủ nhà đã chuẩn bị một văn kiện dự thảo thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước, trong đó có việc cung cấp danh sách các đối tượng tình nghi từng tham chiến tại nước ngoài.
Với vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Lan sẽ trình dự thảo nói trên để cùng bàn thảo với 250 phái đoàn tham dự Diễn đàn GCTF và hội nghị của liên minh quốc tế chống IS, trong đó có sự tham gia các quan chức tới từ Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Tổ chức Cảnh sát Hình sự châu Âu (Europol), Liên hợp quốc, cùng đại diện cấp cao trong các Chính phủ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc…
Mặc dù đã có cơ chế chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước, nhưng Hà Lan hy vọng sẽ thúc đấy việc khai thác các cơ sở dữ liệu tại các cơ quan cảnh sát châu Âu, cũng như tại Interpol và Europol, sau khi nhận thấy sự yếu kém trong việc chia sẻ thông tin tình báo là nguyên nhân không thể ngăn chặn được các vụ tấn công đẫm máu tại Paris (Pháp) khiến hàng trăm người thiệt mạng trong năm 2015 vừa qua.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết trên thực tế, sự thiếu niềm tin vẫn đang là rào cản hạn chế việc chia sẻ tất cả các thông tin tình báo.
Một vấn đề khác đó là không phải tất cả các quốc gia đều muốn cung cấp dữ liệu hoặc sử dụng thông tin sẵn có qua các hệ thống lưu trữ tại Europol và Interpol.
Trước đó, ngày 10/1, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết danh sách các đối tượng tình nghi khủng bố tại nước này đã tăng gấp đôi trong một năm qua, lên tới 42 đối tượng là công dân và các tổ chức ở Hà Lan có liên hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria và Iraq./.