Hà Lan: Cuộc đình công đầu tiên ở cảng Rotterdam sau 13 năm

Giới truyền thông Hà Lan đưa tin cuộc đình công kéo dài 24 giờ, với sự tham gia của 700 công nhân trong tổng số 3.600 người lao động.
Cảng Rotterdam. (Nguồn: dutchnews.nl)

Chiều 7/1, các công nhân tại Rotterdam - cảng biển lớn nhất châu Âu ở Hà Lan - đã tham gia cuộc đình công đầu tiên sau 13 năm, nhằm yêu cầu đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động có nguy cơ bị sa thải do công nghệ tự động hóa.

Giới truyền thông Hà Lan đưa tin cuộc đình công kéo dài 24 giờ, với sự tham gia của 700 công nhân trong tổng số 3.600 người lao động, đã nổ ra lúc 14 giờ 15 phút GMT (tức 21 giờ 15 phút tối 7/1 theo giờ Việt Nam), song một số bộ phận vẫn tiếp tục làm việc đến cuối ngày. Cách đây 13 năm cũng đã diễn ra một cuộc đình công tương tự của các công nhân ở cảng Rotterdam.

Hiện giới chủ cảng này chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào trong khi tuyên bố của hai nghiệp đoàn FNV và CNV nêu rõ họ đang yêu ban lãnh đạo cảng bảo đảm không cắt giảm bất kỳ lao động nào trước năm 2020 do hệ quả của việc sử dụng hệ thống tự động hóa mới ở mức cao, đồng thời đề nghị cải thiện các điều kiện làm việc cho người lao động lớn tuổi. Trước đó, hai nghiệp đoàn này cho rằng khoảng 800 lao động tại cảng Rotterdam có nguy cơ mất việc làm sau khi giới chủ tại đây đưa vào vận hành cầu cảng mới Maasvlakte trong một nỗ lực nhằm mở rộng hoạt động tại cảng này.

Maasvlakte - dự án hàng hải lớn nhất trong một vài thập kỷ trở lại đây ở Hà Lan, đảm bảo tăng gấp đôi khả năng tiếp nhận container của cảng Rotterdam. Mỗi năm, có khoảng 450 triệu tấn hàng hóa chuyên chở trên 30.000 lượt tàu biển và 110.000 tàu thủy nội địa cập cảng Rotterdam.

Tại Hà Lan rất ít khi xảy ra đình công, bởi đây là quốc gia có truyền thống về đối thoại xã hội. Theo số liệu từ đơn vị Giám sát các mối quan hệ công nghiệp của châu Âu (EIRO), trong suốt giai đoạn 2005-2009, tại Hà Lan chỉ diễn ra từ 5 đến 7 cuộc đình công, thấp hơn rất nhiều so với con số 132 tại Pháp trong cùng kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục