Hai ngày sau khi thực hiện chính sách mới về hạ trần lãi suất huy động USD, tỷ giá USD/VND trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại đứng yên, biểu lãi suất huy động của các ngân hàng đã có sự thay đổi.
Trong ngày 28 và 29/9, giá USD bán ra tại các đầu mối lớn như Vietcombank,VietinBank, BIDV không có thay đổi, giữ nguyên ở mức 22.505 - 22.510 đồng/USD.
Còn biểu lãi suất huy động của tất cả các ngân hàng thương mại đã đưa về mức 0% đối với tổ chức tín dụng và 0,25% đối với khách hàng cá nhân.
Như vậy, có thể thấy thanh khoản ngoại tệ của hệ thống hiện đang dư thừa.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thanh khoản ngoại tệ hiện nay của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang trong tình trạng ổn định. Nếu tính tỷ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ trên thị trường 1 trong nước trong giai đoạn 2011-2012 là trên 100%, thì hiện nay, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 80%. Nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài thì tỷ lệ này chỉ vào khoảng 60%.
Dù gần đây, tâm lý thị trường đã bớt căng thẳng và tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại giảm nhưng vẫn tiềm ẩn kỳ vọng tăng tỷ giá vì lo ngại về các hệ lụy của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất vào cuối năm. Tình trạng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ trong mấy năm gần đây có xu hướng tăng vì lãi suất ngân hàng cho vay VND cao hơn nhiều lãi suất cho vay USD. Áp lực về việc mua ngoại tệ để trả nợ ngân hàng khi đến hạn và nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng về để thực hiện kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm khá lớn.
Tuy nhiên, với việc điều chỉnh lãi suất huy động USD giảm xuống mức rất thấp như hiện nay thì việc "găm giữ" USD sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Công ty Cổ phần Ống đồng Toàn Phát cùng chung nhận định khi cho rằng động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD về 0% sẽ làm giảm tính hấp dẫn của đồng USD, do đó sẽ làm giảm việc giữ đồng USD.
"Đối với doanh nghiệp chúng tôi, nguồn vốn bằng USD giữ lại để trả cho những khoản nợ vay trước đó. Trước chính sách này, chúng tôi sẽ không 'găm giữ' USD nữa mà sẽ tăng tính luân chuyển từ đồng USD sang tiền Việt, từ đó chúng tôi sẽ đẩy nhiều nguồn tiền Việt vào hoạt động sản xuất kinh doanh," ông Khôi cho biết.
Ông Khôi cũng cho biết thêm, là doanh nghiệp vừa nhập khẩu nguyên vật liệu vừa xuất khẩu thì việc đưa lãi suất về 0% sẽ có tác động khá tốt, có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay bằng USD với lãi suất thấp hơn.
Cũng giống như quan điểm của doanh nghiệp trên, bà Nguyễn Thị Hạnh ở Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm cho biết, bà có một khoản tiền USD của người thân gửi ở nước ngoài về bà vẫn gửi ở ngân hàng.
"Nay nghe tin lãi suất giảm thấp thế thì cô sẽ đổi sang tiền Việt Nam để được hưởng lãi suất cao hơn," bà Hạnh chia sẻ.
Còn chị Minh Hằng (một người gửi tiền ở Hà Nội) nói: “Với mức 0,75%/năm trước đây cũng đã gần như chỉ nhờ ngân hàng giữ hộ rồi thì giảm xuống 0,25% cũng vậy thôi.” Và nếu người dân nào cũng có những nhận định về tỷ giá tương tự như vậy, có thể dự đoán tác động của quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm "găm giữ" ngoại tệ là có nhưng sẽ không nhiều.
Mặc dù vậy, thì quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời điểm này vẫn được cho là một bước rất căn bản, cắt bỏ động lực gửi USD lấy lãi của các doanh nghiệp và cá nhân, góp phần giảm thiểu tình trạng USD hóa.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định này giúp cho Ngân hàng Nhà nước có thêm cơ hội để giảm bớt áp lực phải chi bán ngoại tệ cân đối trong năm vừa qua khi điều chỉnh tỷ giá. Bởi vì, khi các doanh nghiệp không còn động lực để gửi tiết kiệm USD nữa thì họ phải có giải pháp xử lý nguồn ngoại tệ của mình, có thể là mua đi bán lại với nhau hoặc bán ra để lấy tiền Việt hoặc chuyển đổi sang loại ngoại tệ khác… Việc này sẽ tạo ra sự tăng lượng cung ngoại tệ trên thị trường, qua đó giúp cho các đơn vị thiếu có thể mua được, kể cả Ngân hàng Nhà nước trong việc mua để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Cũng theo ông Phong, đây là có thể là kịch bản chuẩn bị trước của Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng phó với việc có thể tăng lãi suất của FED trong thời gian tới. Hiện tại, áp lực tăng đã có và rất có thể FED sẽ tăng lãi suất đồng USD vào cuối năm 2015. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng trở lại với mức như cũ hoặc tương đương. Điều này sẽ giúp cho lãi suất của đồng USD không bị cao quá và không kích thích dòng chảy ngược trở lại từ VND sang USD./.