Hà Giang tìm cách phục hồi diện tích cam sành bị suy thoái ở Bắc Quang

Trong số tổng diện tích khoảng 3.200ha cam sành ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), có tới trên 970ha cây cam bị suy thoái, khiến cho cuộc sống của những hộ trồng cam lâm vào cảnh lao đao.
Hà Giang tìm cách phục hồi diện tích cam sành bị suy thoái ở Bắc Quang ảnh 1Diện tích trồng cam tại huyện Bắc Quang hiện có trên 970ha cây bị suy thoái. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Bắc Quang (Hà Giang) là "thủ phủ" cam sành của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích khoảng 3.200ha.

Cam sành đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp nhiều nhà vườn có kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng vàng lá, khô đầu cành, suy thoái trên cây cam đã khiến những đồi cam xanh mát trở lên trơ trụi, khiến cho cuộc sống của những hộ trồng cam lâm vào cảnh lao đao.

Theo ông Trần Minh Hữu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang (Hà Giang), hiện nay, một số diện tích cây cam sành có hiện tượng vàng lá, khô đầu cành, cây bị chết, sinh trưởng và phát triển kém.

Qua rà soát có trên 970ha cây cam bị suy thoái. Diện tích cây bị ảnh hưởng chủ yếu ở giai đoạn cây từ 5-10 tuổi, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Việt Hồng

[Giá cam sành tại Trà Vinh giảm mạnh, nhà vườn lao đao]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) Vũ Văn Mạnh cho biết là một trong những xã có diện tích trồng cam lớn nhất huyện với trên 580ha, tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022 trở lại đây, diện tích cây cam bị suy thoái, phát triển kém là khoảng trên 250ha, diện tích cây cam không thể khôi phục được cũng chiếm đến hơn 30% số cam bị suy thoái.

Việc cây cam bị suy thoái ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu nhập của bà con nông dân, bởi cây cam từ lâu đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân xã Vĩnh Phúc nói riêng và của huyện Bắc Quang nói chung.

Gia đình ông Dương Văn Luyện (xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, Hà Giang) có hơn 4 ha trồng cam chia sẻ, tình trạng cam suy thoái đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2022, nhưng đến năm 2023 diễn biến ngày một nặng hơn. Đến nay, hơn 90% cây cam của gia đình ông đã bị suy thoái, không thể khắc phục được.

Hà Giang tìm cách phục hồi diện tích cam sành bị suy thoái ở Bắc Quang ảnh 2Những cây cam bị suy thoái cho ra quả không đạt chất lượng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Nếu trước đây, cây cam khỏe mạnh, với hơn 4ha này, gia đình ông Luyện thu về 20-30 tấn quả/năm nhưng năm nay, hai vợ chồng ông Luyện phải "ngậm đắng, nuốt cay" chặt từng gốc cam có tuổi đời từ 5-10 năm.

Theo ông Vũ Văn Mạnh, khi xuất hiện hiện tượng cam suy thoái, xã cũng đã có rà soát lại toàn bộ diện tích cam trên địa bàn, xem xét diện tích nào có thể khôi phục được thì sẽ hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào để khắc phục.

Diện tích nào không thể khắc phục được thì khuyến cáo với bà con nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác như trồng cây lâm nghiệp, ở những diện tích thuận lợi, bằng phẳng thì có thể áp dụng các mô hình phát triển nông nghiệp khác để chuyển đổi.

Ông Trần Minh Hữu cho biết đối với diện tích cam bị suy thoái trên địa bàn huyện, được sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng cam.

Đối với diện tích cam bị suy thoái ở mức độ 1, nếu có thể khắc phục được, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ cho bà con tập huấn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc,” thúc đẩy đầu tư cho phục hồi. Còn đối với diện tích suy thoái ở mức độ 2, mức độ 3, những hộ đã chủ động chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác phù hợp hơn như trồng các loại cây ăn quả khác hoặc trồng lâm nghiệp; hỗ trợ đầu vào, liên kết với một số công ty để hỗ trợ giống đầu vào cho các hộ chuyển đổi sang trồng cây dược liệu.

Huyện Bắc Quang cũng đã đưa ra những giải pháp như chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra thực tế, chỉ đạo các xã rà soát diện tích cam bị vàng lá, khô đầu cành, sinh trưởng và phát triển kém, diện tích bị chết.

Đồng thời, khuyến nghị người dân sử dụng phân bón đúng, đủ liều lượng, chú trọng đến sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không dùng thuốc diệt cỏ, thường xuyên theo dõi vườn cam, loại bỏ những cây bị bệnh, cắt tỉa tạo tán, chăm sóc vườn./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục