Hà Giang: Cuộc sống mới của người dân tái định cư vùng lũ Tùng Nùn

Rạng sáng 24/6/2018, trận lũ lịch sử đã xảy ra tại thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), cướp đi sinh mạng của hai người dân trong thôn, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi.
Những ngôi nhà mới xây khang trang của các gia đình bị thiệt hại nặng trong cơn lũ lịch sử quét qua thôn năm 2018. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Những ngôi nhà mới xây khang trang của các gia đình bị thiệt hại nặng trong cơn lũ lịch sử quét qua thôn năm 2018. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Hơn một năm sau ngày hứng chịu trận lũ lịch sử, cuộc sống mới ở thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã đổi thay. Các hộ dân mất nhà đã có nhà mới khang trang, kiên cố. Người dân vùng lũ Tùng Nùn đã ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Rạng sáng 24/6/2018, trận lũ lịch sử đã xảy ra tại thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), cướp đi sinh mạng của hai người dân trong thôn, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, phần lớn đất sản xuất bị vùi lấp.  

Anh Giàng Mí Trá, ở thôn Tùng Nùn là một trong 10 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất trong trận lũ lịch sử năm ngoái.

Đến giờ, anh vẫn bàng hoàng khi nhớ lại rạng sáng ngày 24/6/2018, khi lũ tới, anh chỉ kịp ôm con chạy, nhà cửa và toàn bộ tài sản bị cuốn trôi theo dòng lũ.

[Cơn lũ thốc tháo và nước mắt buốt lạnh ở thôn Tùng Nùn]

Bên căn nhà mới khang trang, kiên cố, anh Trá cho biết nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm, anh đã có được căn nhà kiên cố, yên tâm lao động sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai. Lũ quét qua đã làm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp. Gia đình anh đang tập trung vào chăn nuôi với hai con bò, lợn, gà, ngan và cả chim bồ câu.

Gần nhà anh Giàng Mí Trá là hai căn nhà kiên cố còn mới màu sơn nằm sát nhau của bố con ông Lù Chính Pao và anh Lù Chỉnh Mình. Một năm trước, lũ quét qua đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản của bố con anh Lù Chỉnh Mình. Được sự giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm, hai căn nhà mỗi căn trị giá 300 triệu đồng được xây dựng đã giúp gia đình bố con anh Mình ổn định cuộc sống sau lũ.  

Anh Lù Chỉnh Mình cho biết trước kia, cuộc sống khó khăn. Lũ quét qua đã lấy đi tất cả tài sản, nhà cửa khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, gia đình anh có căn nhà kiên cố, yên tâm lao động sản xuất. Đến nay, sau một năm hứng chịu thiên tai, gia đình đã ổn định cuộc sống, bớt khó khăn hơn rất nhiều.

Tại Khu tái định cư xen ghép ở thôn Tùng Nùn, chục ngôi nhà mới xây khang trang nằm rải rác trong thôn. Đó là nhà của những gia đình bị thiệt hại nặng trong cơn lũ lịch sử quét qua thôn năm ngoái. Màu xanh của những diện tích ngô, đậu... hôm nay đã tạo nên sức sống mạnh mẽ ở thôn Tùng Nùn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) Viên Đức Thành cho biết, trận lũ xảy ra hôm 24/6/2028 làm ảnh hưởng tới 53 hộ trong xã, trong đó 10 hộ mất trắng, 15 hộ phải di dời.

Hà Giang: Cuộc sống mới của người dân tái định cư vùng lũ Tùng Nùn ảnh 1Anh Giàng Mí Trá, ở thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ là một trong 10 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất trong cơn lũ lịch sử năm 2018. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Trên cơ sở các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Giang và huyện Quản Bạ, cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm cả nước, chúng tôi đã vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đến nay sau một năm, tất cả các gia đình bị thiệt hại đã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quản Bạ Hạnh Dương Thành, năm 2018, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, địa bàn huyện Quản Bạ xảy ra nhiều trận mưa to, gió lốc và lũ quét cục bộ, gây thiệt hại lớn về người, nhà ở, tài sản.

Mưa lũ khiến hai người chết, 458 hộ bị thiệt hại về nhà ở, trong đó có 11 nhà bị lũ cuốn trôi, 5 nhà bị sập nhà hoàn toàn. 263,92 ha hoa màu bị thiệt hại. 7 trường và điểm trường bị ảnh hưởng. 8 tuyến đường đường giao thông bị sạt lở, cuốn trôi mặt đường với khối lượng lớn đất đá, gây tắc giao thông nhiều khu vực; hư hỏng 2 công trình thủy lợi và nhiều công trình phúc lợi khác... Tổng thiệt hại trên 107 tỷ đồng.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2019, huyện đã rà soát, lồng ghép nhiều chương trình thực hiện công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là thực hiện Đề án quy tụ dân cư của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã di dời được 158 hộ gia đình trong vùng nguy cơ thiên tai cao đến nơi an toàn, đảm bảo ổn định được cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình tại nơi ở mới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục