Theo ông Lương Viết Thuần - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, bệnh than đã tái xuất hiện ở huyện Mèo Vạc khi cả 9/9 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh than đều có liên quan đến ăn thịt gia súc chết.
Trước đó, ngày 8/10, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc về một số trường hợp nghi mắc bệnh than xảy ra tại xã Niêm Tòng, Sở Y tế đã cử đoàn cán bộ đi điều tra xác minh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn.
Kết quả điều tra xác minh cho thấy, bệnh nhiệt thán trên gia súc diễn biến từ ngày 11/9 do ở thôn Cốc Pại (xã Niêm Tòng), có một con bò và một con dê chết. Do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên người dân ở đây đã đem giết mổ và sử dụng làm thực phẩm tại 13 hộ gia đình (gồm 57 khẩu).
Ngay sau khi ăn thịt gia súc bị nhiễm bệnh nhiệt thán chết, trong các ngày từ 17/9 đến 9/10, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc đã ghi nhận chín trường hợp mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng của bệnh than thể da (chưa có trường hợp nào tử vong).
Trước tình hình dịch bệnh trên, ngành Y tế Hà Giang đã triển khai các đơn vị chức năng lấy mẫu bệnh phẩm, tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số không ăn thịt gia súc bị bệnh đồng thời cấp phát thuốc điều trị. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc tiến hành lấy bốn mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán.
Cách đây sáu năm (năm 2008) tại Hà Giang đã xảy ra dịch bệnh nguy hiểm này tại hai thôn Pắc Cạm thuộc xã Khau Vai và thôn Pó Qua thuộc xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc. Nguyên nhân chính do mầm bệnh than thường tồn tại ở thể nha bào, có thể sống mấy chục năm trong đất, dễ xâm nhập vào những động vật ăn cỏ (trâu, bò) thông qua những vết xước trên da, gây bệnh cho gia súc. Người dân tiếp xúc hoặc ăn những động vật này sẽ gây bệnh ở nhiều thể, một số thể có độc lực rất cao và tỷ lệ tử vong lớn.
Khi mắc bệnh, người bệnh có triệu chứng bị sốt, sưng nóng tại nơi nổi mụn, loét chảy dịch vàng, gây hoại tử tổ chức ngoài da. Nếu người bệnh không đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời thì dễ gây nhiễm trùng máu, dẫn tới tử vong./.