Gương Nông dân suất sắc: 'Phất lên' nhờ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

Bên cạnh sản xuất kinh doanh giỏi, anh Phùng Bình Minh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Phùng Bình Mình (áo đen) hướng dẫn công nhân kỹ thuật đóng tấm Pallet. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, luôn sáng tạo trong suy nghĩ và cách làm, anh Phùng Bình Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh (xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã đi đầu trong liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị để thành công bền vững. Anh xứng đáng là tấm gương nông dân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Thành công nhờ liên kết sản xuất

Nhận thấy tầm quan trọng từ việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, anh Minh đã đứng ra vận động, thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh vào năm 2017 với 8 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, trồng rừng, ươm cây giống lâm nghiệp. Nhờ đó, Hợp tác xã luôn chủ động được nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất liên tục mở rộng, thị trường tiêu thụ ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng được khẳng định.

Để nâng cao giá trị rừng trồng và phát triển rừng bền vững, Hợp tác xã đã tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Hội Nông dân Việt Nam; chủ động liên kết chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho trên 2.000 hộ trên địa bàn huyện Yên Bình tham gia chương trình FSC-COC (Chứng nhận hành trình sản phẩm do Tổ chức Forest Stewardship Council cấp). Nhờ đó, trên địa bàn huyện Yên Bình có hàng trăm ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC.

Anh Phùng Bình Minh cho biết, khi tham gia Chương trình FSC, giá bán gỗ thường cao hơn giá thị trường từ 15-20%, thương hiệu sản phẩm từ gỗ rừng được nâng lên và có thể vào được thị trường khó tính của châu Âu và Hoa Kỳ.

Do được bảo vệ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất rừng tăng cao, trung bình trên 150 tấn/ha. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình, người dân được tiếp cận với sự hỗ trợ kỹ thuật mới thay thế kỹ thuật trồng rừng truyền thống, hiệu quả thấp.

Kết quả kinh doanh đến năm 2022, Hợp tác xã đã hợp đồng khai thác, thu mua và chế biến gỗ của các hộ dân được 26.000 m3 gỗ/năm; cung ứng trên 2 triệu cây giống lâm nghiệp, đem về doanh thu trên 65 tỷ đồng, nộp ngân sách nhiều tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận Hợp tác xã thu về trên 6,8 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hòa Phát, Chi nhánh Yên Bái chia sẻ, là đối tác tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã từ nhiều năm nay, Công ty nhận thấy phương thức liên kết theo chuỗi giá trị, từ người trồng rừng, cơ sở chế biến đến doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngày càng có tính chuyên môn sâu, chất lượng và sản lượng sản phẩm luôn đảm bảo; đồng thời, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán, bị tư thương ép giá, thị trường tiêu thụ bấp bênh.

[Gương Nông dân xuất sắc: Tỷ phú nông dân nuôi gà lai chọi thả vườn]

Đến nay, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh đã hợp đồng liên kết với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Yên Bái, hàng trăm hộ nông dân trồng rừng và hàng chục hộ nông dân làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp.

Đặc biệt, Hợp tác xã đã liên kết đầu tư mở 40 xưởng thu mua, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng trên toàn tỉnh. Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh đã có 20 thành viên, hơn 100 lao động trực tiếp sản xuất.

Mong muốn chia sẻ kinh nghiệm

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất  kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững,” anh Minh cùng các thành viên Hợp tác xã trực tiếp tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng theo tiêu chuẩn của FSC cho hàng trăm hộ nông dân. Đặc biệt, anh cùng Hợp tác xã hướng dẫn kinh nghiệm đầu tư mở xưởng sơ chế gỗ cho hàng chục hộ dân có điều kiện và năng lực quản trị.

Ban đầu, anh Minh vận động, liên kết hợp tác với những hộ dân có diện tích đồi rừng lớn thành lập tổ hợp tác, từ đó tổ hợp tác là cánh tay nối dài cho Hợp tác xã đến từng hộ dân trong các khâu, từ cung ứng cây giống, chuyển giao kỹ thuật, thu mua lại nguyên liệu và sơ chế gỗ rừng trồng cho Hợp tác xã trước khi làm thành những sản phẩm gỗ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Chị Phạm Thị Dịu, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hương Lý (tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái) cho biết, nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh trong 5 năm qua, Tổ hợp tác của chị Dịu có 16 gia đình tham gia với tổng diện tích rừng trồng tập trung hơn 70ha. Toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã mua lại với giá cao hơn giá thị trường, sau khi trừ đi phần đầu tư ban đầu của Hợp tác xã, mỗi hộ trồng rừng có thu nhập từ 60 đến 80 triệu ha/năm.

Không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững, anh Minh còn có trách nhiệm đào tạo, chia sẻ bí quyết quản trị kinh doanh cho hơn 40 chủ xưởng sơ chế gỗ trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ khâu thiết kế nhà xưởng, lựa chọn công nghệ, kỹ thuật sơ chế các loại gỗ đến cách thức thu mua nguyên liệu và hạch toán thu chi được anh Minh, cùng các thành viên Hợp tác xã hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết, cầm tay chỉ việc thực tế tại xưởng sản xuất.

Anh Nguyễn Đức Quân, Chủ xưởng xẻ Đức Quân (tại khu 2, xã Tích Cốc, huyện Yên Bình) chia sẻ, năm 2019, anh được anh Minh hướng dẫn, giúp đỡ thủ tục xin mở xưởng, ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm, nhất là việc Hợp tác xã cho vay vốn không lấy lãi để đầu tư xây dựng nhà xưởng, chuyển giao công nghệ và phương pháp quản lý. Mặc dù thị trường tiêu thụ khó khăn, xong xưởng sơ chế gỗ vẫn được duy trì với 6 công nhân, công suất từ 35 đến 40 m3 gỗ/ngày, cho thu nhập từ 6,5 đến 8 triệu/người/tháng.

Bên cạnh việc giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, anh Minh còn tích cực tuyên truyền đến các gia đình, nhân dân trong khu thực hiện tốt các quy định của địa phương, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.”

Ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Bình, cho biết mô hình liên kết sản xuất của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh đang từng bước tạo thành vùng trồng rừng và chế biến gỗ tập trung, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trồng rừng, làm gia tăng giá trị rừng trồng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh sản xuất kinh doanh giỏi, anh Phùng Bình Minh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Phùng Bình Minh cũng như nhiều nông dân tiêu biểu khác là những người đã và đang vẽ lên bức tranh về một thế hệ nông dân mới, năng động, dám nghĩ, dám làm, làm chủ khoa học công nghệ. Họ chính là những nhân tố tích cực, những người nông dân tiên phong đưa “tam nông” ở Yên Bái phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hạnh phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục