Gương mặt trẻ Việt Nam: Kỷ luật thép của chàng thủy thủ tàu ngầm

Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019," “Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2019” chính là sự ghi nhận đối với đóng góp xứng đáng của Thiếu tá Trần Văn Phương trong thời gian qua.
Gương mặt trẻ Việt Nam: Kỷ luật thép của chàng thủy thủ tàu ngầm ảnh 1Thiếu tá Trần Văn Phương, Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 184 Hải Phòng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức," càng trong khó khăn, gian khổ, bản lĩnh chính trị, niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng càng được khẳng định, nhất là trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, quyết tâm làm chủ hoàn toàn các vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho Quân đội.

Đây là điều mà Thiếu tá Trần Văn Phương, Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 186 (Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân) luôn tâm niệm.

Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019” lĩnh vực Quốc phòng, “Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2019” chính là sự ghi nhận đối với những đóng góp xứng đáng của anh trong suốt thời gian qua.

"Không được lùi bước"

Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Trần Văn Phương luôn mơ ước được trở thành người sỹ quan Hải quân.

Chàng trai trẻ đã đến gần hơn với ước mơ của mình khi tháng 9/2004, anh thi đỗ vào Học viện Hải quân.

Tháng 12/2009, anh tốt nghiệp Khóa 49 Học viện Hải quân với quân hàm trung úy, được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

[Bình chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019]

Trên cương vị là Phó Thuyền trưởng tàu tên lửa, Lữ đoàn 172, anh luôn tự ý thức phải nêu cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Tháng 10/2010, trước yêu cầu chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm cấp chiến dịch của Hải quân nhân dân Việt Nam, anh Trần Văn Phương được Quân chủng lựa chọn đưa đi đào tạo chuyên ngành hàng hải tàu ngầm tại Liên bang Nga.

"Chìa khóa dẫn tới thành công, đối với tôi đó là sự nỗ lực chiến thắng bản thân mình; những lúc khó khăn, gian khổ nhất thì phải cố gắng vượt qua, phải lên kế hoạch cho mọi công việc theo cách thật khoa học, hợp lý, quyết tâm thực hiện đúng theo kế hoạch bằng được," Thiếu tá Phương chia sẻ.

"Châm ngôn của bản thân tôi đó là 'Không được lùi bước,'"Thiếu tá Phương cho biết.

Tự hứa với mình phải tận dụng mọi thời gian, cơ hội để tiếp thu kiến thức, tháng 6/2012, anh hoàn thành khóa đào tạo tại Nga với kết quả loại giỏi.

Ngay sau khi trở về nước, anh được tuyển chọn vào Kíp tàu ngầm số 3, Lữ đoàn 189. Một lần nữa anh trở lại nước Nga để được đào tạo nhiệm vụ mới không kém phần nặng nề, vất vả.

Ngoài việc tự rèn luyện sức khỏe, Thiếu tá Trần Văn Phương còn phải tiếp thu lượng lớn kiến thức về chuyên ngành tàu ngầm, tuy nhiên ngôn ngữ khác biệt là một rào cản khá lớn.

Tìm cách khắc phục trở ngại này, ngoài thời gian học tập trên lớp với giáo viên, vào giờ giải lao anh thường xuyên trao đổi, nói chuyện với học viên các nước; tham gia hoạt động cộng đồng với sinh viên Việt Nam và các bạn Nga vào ngày nghỉ; đến các điểm tham quan trong khu vực, hòa nhập vào các đoàn khách để nghe hướng dẫn viên người Nga nói.

Quá trình đó đã giúp anh nâng cao được vốn tiếng Nga, rèn cho mình được sự tự tin trong đối thoại và giao tiếp, phục vụ trực tiếp cho việc học tập chuyên ngành trong tiếp nhận, làm chủ tàu ngầm.

Khi được huấn luyện tiếp nhận làm chủ tàu ngầm, trong giờ học anh luôn tập trung nắm chắc những nội dung cốt lõi, đánh dấu lại vấn đề chưa hiểu.

Giờ tự học, Thiếu tá Trần Văn Phương tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi với đồng chí, đồng đội cũng như giảng viên Nga nhằm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề nảy sinh.

“Trong những giờ huấn luyện trực tiếp trên tàu ngầm, bản thân tôi chủ động nắm chắc việc bố trí các trang thiết bị trên tàu cũng như quy trình khai thác sử dụng, so sánh giữa lý thuyết với thực tế khi tổ chức thực hiện các bảng bố trí chiến đấu và các nội dung đấu tranh bảo vệ sức sống của tàu, bởi quá trình này đòi hỏi có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các vị trí chiến đấu. Qua từng chuyến đi biển, những hạn chế được chuyên gia chỉ ra, bản thân tôi cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp khắc phục,” Thiếu tá Trần Văn Phương chia sẻ.

Bằng những nỗ lực vượt bậc của mình, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã kết thúc khóa huấn luyện chuyển giao với kết quả tốt; đủ khả năng độc lập khai thác trang bị, được chuyên gia Nga đánh giá cao.

Làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật trong điều kiện khắc nghiệt

Thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân,” trên cơ sở tình hình thực tiễn, Thiếu tá Trần Văn Phương đã cụ thể hóa nội dung thực hiện nhiệm vụ theo sát đặc điểm của đơn vị, trong đó đặc biệt hướng tới mục tiêu đổi mới phương pháp học tập, nghiên cứu làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật tàu ngầm hiện đại.

Tàu ngầm hoạt động có tính chất đặc thù chuyên sâu trong môi trường, điều kiện khắc nghiệt, đòi hỏi thủy thủ tàu ngầm phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai.

Theo Thiếu tá Trần Văn Phương, yêu cầu đối với thủy thủ tàu ngầm không chỉ cần có sức chịu đựng, tâm lý vững vàng mà còn phải chấp hành nghiêm kỷ luật. Không gian hoạt động dưới tàu ngầm chật hẹp, chỉ đảm bảo cho thủy thủ tàu ngầm thao tác vận hành vũ khí trang bị kỹ thuật tại vị trí chiến đấu.

Đồng thời, khi tàu hành trình ngầm trong thời gian dài, lượng ôxy thường xuyên ở mức dưới 19% , có lúc lượng ôxy trong các khoang giảm đến mức gần 18% (trong khi điều kiện bình thường là 20,5%), làm cho thủy thủ có cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ, rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn khi thao tác trang thiết bị kỹ thuật.

Gương mặt trẻ Việt Nam: Kỷ luật thép của chàng thủy thủ tàu ngầm ảnh 2(Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

“Yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với thủy thủ tàu ngầm là phải có sức chịu đựng, tâm lý vững vàng, chấp hành nghiêm kỷ luật,” anh Phương nhấn mạnh.

Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Văn Phương luôn đặt yêu cầu về chấp hành kỷ luật lên hàng đầu, phấn đấu giữ gìn danh hiệu Lữ đoàn “ba đặc biệt”: “Trung thành đặc biệt, đoàn kết đặc biệt và kỷ luật đặc biệt”; coi việc chấp hành những chế độ, quy định, thực hiện nền nếp chính quy là nguyên tắc cơ bản trong huấn luyện.

Những quy định trong huấn luyện, nhất là quy định trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị tàu ngầm luôn được anh cùng đồng đội duy trì nghiêm, tập trung cao độ, tổ chức toàn tàu thực hiện đúng quy trình, có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các vị trí chiến đấu trên tàu.

Bản thân Thiếu tá Trần Văn Phương cũng đã tích lũy trên 4.000 giờ lặn với hơn 50 chuyến đi biển hoàn thành tốt nhiệm vụ, chinh phục những độ sâu giới hạn của tàu ngầm Kilo.

Để bảo đảm tài liệu phục vụ huấn luyện, Thiếu tá Trần Văn Phương đã trực tiếp biên soạn hai tài liệu; tham gia hiệu chỉnh 10 đầu tài liệu tiếng Nga (trên 900 trang) về chuyên ngành tàu ngầm; triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Các tài liệu và sáng kiến của anh đều được cơ quan chức năng các cấp thẩm định, đánh giá cao; được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn khai thác, hoạt động của tàu ngầm, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho Nhà nước.

Với sự cố gắng không ngừng, Thiếu tá Trần Văn Phương vinh dự 4 năm liên tục (2015-2018) được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” và “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ 2016-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ,” học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2019.

Năm 2018, anh được nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quân” và là một trong 10 "Gương mặt trẻ tiêu biểu" của Quân chủng, được phong quân hàm Thiếu tá trước niên hạn.

Năm 2019, anh vinh dự là một trong 500 đảng viên trẻ toàn quốc tham gia chương trình gặp gỡ “Đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

“Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ,” và không ai khác, hậu phương vững chắc của Thiếu tá Trần Văn Phương chính là gia đình nhỏ, đặc biệt là người vợ hiền luôn chia sẻ, cảm thông với sự vất vả, cũng như thấu hiểu những nỗ lực trong công việc của anh.

“Đến nay con trai tôi đã gần được ba tuổi, nhưng số lần tôi về thăm gia đình không được nhiều, cũng chỉ tính trên đầu ngón tay. Bình thường 3-4 tháng tôi về thăm vợ con một lần, nhưng có khi làm nhiệm vụ, nửa năm mới tranh thủ về được ít ngày. Nhưng vợ tôi không hề trách tôi một lần về điều ấy, ngược lại cô ấy luôn hiểu, cảm thông với nhiệm vụ của người lính biển, thay chồng chăm con, vun vén gia đình, luôn là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ,” Thiếu tá Phương tâm sự.

Anh Phương xúc động nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ, trước khi kết hôn, vợ tôi muốn tôi hứa là khi cô ấy sinh thì tôi phải có mặt để cùng đón đứa con chào đời. Tôi đã hứa sẽ cố gắng để thực hiện được điều đó. Giữa năm 2017, khi vợ chuẩn bị sinh thì tôi lại có nhiệm vụ đột xuất phải đi biển nhiều ngày.

"Do đặc thù công việc ở tàu ngầm là tuyệt đối bí mật nên tôi không thể báo tin cho vợ và gia đình rằng tôi chuẩn bị đi biển thực hiện nhiệm vụ trong thời gian cụ thể. Khi xuống tàu ngầm, mọi thông tin liên lạc của tôi với gia đình đều cắt đứt."

"Đến khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu ngầm cập cảng Lữ đoàn 189, kết nối được điện thoại thì mới biết là vợ tôi đã sinh con trai khi tôi vừa đi biển được một ngày. tôi được làm cha.”

Lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của cậu con trai Trần Minh Anh bé bỏng do mẹ mình gửi, anh đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

“Tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng trở thành thủy thủ tàu ngầm Kilo là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là thử thách lớn của bản thân để tiếp tục cố gắng. Được trở thành một người cán bộ, thủy thủ phục vụ trên tàu ngầm là niềm vinh dự, tự hào của bất cứ quân nhân nào,” Thiếu tá Trần Văn Phương bộc bạch.

Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, những người lính Hải quân như Thiếu tá Trần Văn Phương đã và đang cống hiến hết mình với bầu nhiệt huyết và sự say mê nghề nghiệp; tiếp nối, xây đắp để làm nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” của lực lượng Hải quân.

Thiếu tá Trần Văn Phương khẳng định: “Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn nhất, chúng tôi cũng không lùi bước, sẽ bằng mọi nỗ lực để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao, không phụ lòng tin của nhân dân, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục