Guinea: Các thành viên quân đội được đưa vào vị trí thống đốc các tỉnh

Lực lượng đảo chính Guinea đã đưa một số sỹ quan quân đội vào nắm giữ nhiều vị trí thống đốc tỉnh nhằm củng cố quyền điều hành của quân đội tại quốc gia Tây Phi sau vụ binh biến cuối tuần qua.
Chỉ huy vụ đảo chính, Trung tá Mamady Doumbouya (giữa) trước cuộc họp với các quan chức cấp cao trong Chính phủ Guinea tại Conakry, ngày 6/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chỉ huy vụ đảo chính, Trung tá Mamady Doumbouya (giữa) trước cuộc họp với các quan chức cấp cao trong Chính phủ Guinea tại Conakry, ngày 6/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/9, truyền thông Guinea đưa tin lực lượng đảo chính tại nước này đã đưa các thành viên quân đội vào nắm giữ nhiều vị trí thống đốc các tỉnh.

Động thái này được cho là nhằm củng cố quyền điều hành của quân đội tại quốc gia Tây Phi sau vụ binh biến cuối tuần qua.

Theo truyền thông địa phương, lực lượng đảo chính đã đưa một sỹ quan quân đội vào nắm quyền thống đốc tỉnh Kanka ở miền Đông Guinea, thay thế cựu thống đốc Sadou Keita.

Trong khi đó, một trung tá quân đội cũng đã tiếp nhận vị trí thống đốc tỉnh Labe ở miền Bắc nước này.

Trước đó, chỉ huy lực lượng đảo chính Mamady Doumbouya cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp đoàn kết quốc gia, hứa hẹn về một kỷ nguyên mới về quản lý nhà nước và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, ông này không giải thích rõ nội dung chi tiết hay đưa ra kế hoạch hành động cụ thể.

[Vụ binh biến ở Guinea: Chỉ huy đảo chính họp với quan chức chính phủ]

Trong cuộc đảo chính ngày 5/9, lực lượng do ông Mamady Doumbouya dẫn đầu đã bắt giữ hoặc giam lỏng Tổng thống Alpha Conde và các chính trị gia hàng đầu của chính quyền.

Nhóm binh sỹ này sau đó giải tán chính phủ và xóa bỏ hiến pháp, đồng thời đóng cửa biên giới. Lực lượng đảo chính cũng ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Đây cũng là vụ chính biến thứ 3 xảy ra tại Tây và Trung Phi kể từ tháng Tư vừa qua.

Các lãnh đạo Tây Phi đã cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt sau khi nhóm binh sỹ này thực hiện vụ binh biến lật đổ Tổng thống Alpha Conde.

Hiện, biên giới trên bộ và trên không của nước này đã được mở trở lại để phục vụ hoạt động thương mại và nhân đạo.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án vụ binh biến này. Nga kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Conde.

Ngày 7/9, Điện Kremlin cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Guinea, đồng thời hy vọng những lợi ích thương mại của Nga tại quốc gia châu Phi này sẽ không bị ảnh hưởng.

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi tập đoàn nhôm khổng lồ của Nga là Rusal thông báo vẫn duy trì hoạt động tại 3 mỏ bôxít và 1 nhà máy lọc ôxít nhôm lớn tại Guinea sau vụ đảo chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục