Biểu lãi suất huy động tại các ngân hàng ngày 2/9 đang niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất chỉ còn 6,8%/năm đối với các khoản gửi thông thường; nhưng nếu thỏa mãn điều kiện về số dư tiền gửi tối thiểu, khách hàng có thể được hưởng lãi suất tới 11%/năm cho kỳ hạn này.
Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên TTXVN, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động từ 5-6,8%/năm. Trong đó, mức cao nhất 6,8%/năm đang niêm yết tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (NamABank) và Ngân hàng Thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank).
Tiếp ngay sau là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân (NCB) với 6,75%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt (BaoVietBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongABank) cùng 6,7%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) niêm yết 6,6%/năm...
Lãi suất thấp nhất đối với kỳ hạn 12 tháng đang áp dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) ở mức 5%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) 5,3%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) 5,4%/năm...
Đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất là 6,7%/năm tại NCB. Các ngân hàng NamABank, CBBank và VietBank cùng mức 6,6%/năm; DongABank 6,45%/năm; BaoVietBank và SHB 6,4%/năm...
[Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất tới 0,5%]
Ở kỳ hạn này, lãi suất ngân hàng thấp nhất thuộc về nhóm "big 4" gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với 4,7%/năm.
Tương tự với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất cũng đang được áp dụng tại NCB với mức 6,65%/năm; CBBank và VietBank cùng 6,5%/năm; NamABank 6,4%/năm; DongABank 6,35%/năm... Lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn 6 tháng vẫn là 4,7%/năm tại "big 4."
Tuy nhiên, ở các kỳ hạn gửi dài hơn, đi kèm với những điều kiện về số dư tiền gửi, khách hàng vẫn có thể nhận được mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Đơn cử như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVCombank), khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 và 13 tháng có thể hưởng lãi suất lên tới 11%/năm nếu đáp ứng điều kiện số dư tiền gửi phải từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Hay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng có thể lên tới 9,1%/năm khi khách hàng gửi từ 300 tỷ đồng trở lên. Còn tại DongABank, với số dư tiền gửi từ 1 tỷ đồng, khách hàng đã nhận lãi suất 8%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 13 tháng.
Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng hầu hết đều áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 hoặc 18 tháng trở lên, dao động từ 6,6-7,5%/năm và đi kèm điều kiện số dư từ 1 tỷ đồng, 10 tỷ đồng hoặc 300 tỷ đồng... tùy từng ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 3-4 điểm % so với mức đỉnh của những tháng đầu năm 2023, tiến sát xuống mức tương đương trong giai đoạn dịch COVID-19. Động thái liên tục giảm mạnh lãi suất của các ngân hàng nhằm thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 7/2023 tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Việc tín dụng tăng yếu dù các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay đến từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu do nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Trong tháng Tám vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay thêm 1,5-2%.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm. Dù vậy, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua, dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động cũng sẽ không còn lớn./.