Gửi gạo hỗ trợ các lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị nợ lương

Liên quan đến vụ việc một công ty Nhật Bản không trả lương cho người lao động Việt Nam, Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đã xuống địa phương để hỗ trợ lao động giải quyết vấn đề này.
Ban Quản lý Lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao đổi với các lao động Việt Nam bị công ty Nekuseru nợ lương. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc một công ty Nhật Bản không trả lương cho người lao động Việt Nam, Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đã xuống địa phương để hỗ trợ lao động giải quyết vấn đề này.

Đầu tháng 12/2024, hàng chục lao động Việt Nam đã tụ tập tại trụ sở của công ty môi giới việc làm Nekuseru ở tỉnh Chiba để yêu cầu thanh toán lương của tháng 9 và tháng 10.

Sau khi phát hiện vụ việc, ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đã xuống tỉnh Chiba làm việc với người lao động Việt Nam, đại diện công ty môi giới việc làm Nekuseru, đại diện công ty sử dụng lao động Việt Nam, cơ quan chức năng của thành phố Toyota (tỉnh Aichi).

Theo ông Phan Tiến Hoàng, có khoảng 150 lao động Việt Nam đang bị Nekuseru nợ lương. Đại diện sứ quán Việt Nam đã làm việc với Cơ quan giám sát tiêu chuẩn lao động của thành phố Toyota, tỉnh Aichi, nơi có nhiệm vụ giải quyết các vụ việc liên quan đến vấn đề của lao động.

Theo trả lời của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam làm việc với thành phố, chủ của công ty Nekuseru vẫn đang hoạt động chưa tuyên bố phá sản nên các cơ quan chức năng chưa có căn cứ để xử lý vụ việc.

Trong trường hợp công ty Nekuseru tuyên bố phá sản, chính quyền tỉnh sẽ đóng băng tài khoản của công ty để tiến hành trả lương trước cho người lao động một phần. Nếu tiền trong tài khoản không đủ trả lương, chính quyền tỉnh sẽ chuyển sang chế độ chính phủ trả nợ thay.

Đại diện Đại sứ quán đã hướng dẫn lao động Việt Nam làm đơn nộp lên cơ quan chức năng Nhật Bản đề nghị chính phủ trả nợ thay vì Nekuseru đã không trả lương cho lao động trong nhiều tháng. Đại diện cơ quan chức năng tỉnh Chiba đã chính thức tiếp nhận đơn. Căn cứ vào đơn đề nghị Nhà nước trả nợ thay, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu Nekuseru làm thủ tục trả nợ.

Theo quy trình, sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu Nekuseru thanh toán lương cho lao động với thời hạn cụ thể.

Trong trường hợp Nekuseru không thanh toán lương cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan chức năng, công ty sẽ bị bắt buộc dừng hoạt động và bị cưỡng chế thanh toán lương cho người lao động.

Trong trường hợp chuyển sang chế độ chính phủ trả nợ thay, người lao động sẽ được thanh toán tối đa là 80% của 3 tháng lương gần nhất. Đa số lao động bị nợ hai tháng lương.

Đại diện Đại sứ quán hướng dẫn lao động Việt Nam viết đơn nộp cho cơ quan chức năng tại thành phố Toyota (tỉnh Aichi) đề nghị chính phủ trả nợ thay. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Các lao động Việt Nam bị nợ lương đều sang Nhật Bản theo visa kỹ sư, kỹ thuật viên và phiên dịch, được tuyển dụng trực tiếp từ Việt Nam. Các lao động này được công ty môi giới việc làm Nekuseru tuyển dụng và cho các công ty Nhật Bản khác sử dụng với danh nghĩa thuê nhân công của Nekuseru.

Các công ty thuê lao động của Nekuseru sẽ không trực tiếp trả tiền lương cho người lao động mà sẽ chuyển tiền lương cho công ty môi giới Nekuseru để công ty môi giới thanh toán cho người lao động.

Ban Quản lý lao động đã gửi gạo cho các lao động Việt Nam để họ có thể vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay, đồng thời đề nghị tỉnh Chiba và thành phố Toyota có biện pháp hỗ trợ cụ thể và thiết thực cho người lao động Việt Nam gặp khó khăn do chưa được nhận lương.

Với sự can thiệp chính thức từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các cơ quan chức năng tỉnh Chiba đã vào cuộc để tìm hướng giải quyết vụ việc nợ lương người lao động Việt Nam tại địa phương này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục