Gruzia và Moldova thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu

Tổng thống Moldova cho biết đang nỗ lực thực hiện những cải cách và đáp ứng các điều kiện của Ủy ban châu Âu (EC); trong khi Gruzia hối thúc EU cấp quy chế ứng cử viên cho nước này.
Gruzia và Moldova thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/5, Phó Thủ tướng Moldova Nicu Popescu cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần thứ 2 sẽ là cơ hội để thể hiện Moldova sẵn sàng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Chisinau một ngày trước hội nghị, ông Nicu Popescu nhấn mạnh: "Chúng ta cần thể hiện, chứng minh và làm rõ sự tiến bộ của Moldova trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp với tư cách thành viên."

Trong cuộc họp báo khác cùng ngày, Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng cho biết nước này đang nỗ lực thực hiện những cải cách và đáp ứng các điều kiện của Ủy ban châu Âu (EC) thông qua việc cải thiện hệ thống tư pháp và chống tham nhũng cùng nhiều vấn đề khác.

Tham gia cuộc họp báo với Tổng thống Maia Sandu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen chúc mừng Moldova đã đạt được "tiến bộ lớn" trong việc thực hiện những cải cách cần thiết để gia nhập EU; đồng thời thông báo gói biện pháp hỗ trợ mới nhằm giúp Moldova xích lại gần EU hơn. Gói biện pháp này bao gồm giảm phí chuyển vùng cuộc gọi điện thoại giữa EU và Moldova, cung cấp 1,6 tỷ euro hỗ trợ kinh tế bổ sung và tạo điều kiện cho Moldova hội nhập thị trường năng lượng EU.

[Nghị sỹ châu Âu: Moldova có thể trở thành thành viên của EU trước 2030]

Tiến trình gia nhập EU của Gruzia đã được triển khai từ hơn 1 năm qua. Ngày 2/3/2022, Chủ tịch đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia, ông Irakli Kobakhidze, đã kêu gọi các cơ quan EU "khẩn cấp" xem xét đề nghị gia nhập EU của nước này.

Ngày 3/3/2022, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili, cho biết nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập EU sau khi Nghị viện châu Âu bày tỏ sự ủng hộ đối với một động thái tương tự của Ukraine, đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.

Thủ tướng Irakli Garibashvili phát biểu sau khi ký đơn rằng Gruzia là một quốc gia châu Âu và tiếp tục có những đóng góp giá trị trong việc bảo vệ và phát triển châu Âu.

Cùng ngày, Tổng thống Moldova, ông Maia Sandu, cũng đã ký đơn nước này chính thức xin gia nhập EU.

Sau hơn 3 tháng từ thời điểm tiếp nhận đơn, Ủy ban châu Âu đã hoàn thành đợt kiểm tra đầu tiên và đề nghị Hội đồng châu Âu trao "tư cách ứng cử viên" cho Moldova.

Với Moldova, cánh cửa cũng dần hé mở, nhưng việc gia nhập EU được cảnh báo có thể gây ra những mâu thuẫn bên trong quốc gia này. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ 1/3 người dân Moldova ủng hộ việc gia nhập EU.

Ngoài ra, việc phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga đồng nghĩa rằng trở thành thành viên EU sẽ là một thách thức không nhỏ về mặt kinh tế đối với Moldova.

Trong khi đó, dù cùng nộp đơn xin gia nhập EU nhưng con đường tới đích của Gruzia lại chưa thông mở.

Gruzia có thể được cấp tư cách ứng viên sau khi đáp ứng 12 khuyến nghị, điều kiện hoặc yêu cầu do EU đưa ra, chủ yếu liên quan đến tiến trình cải cách tại Gruzia. Trong 2 năm qua, việc cải cách tại Gruzia đã chậm lại, thậm chí trong 1 số lĩnh vực việc thay đổi đã "không diễn ra theo khuyến nghị hoặc các tiêu chuẩn của EU."

EU cũng nhận thức rõ về gánh nặng tài chính mà những ứng cử viên này sẽ mang lại khi gia nhập. Moldova và Gruzia với nền kinh tế kém hơn so với phần còn lại của EU sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với các quốc gia tiếp nhận.

EU là một liên minh chính trị và kinh tế, hiện bao gồm 27 quốc gia thành viên. EU được thành lập theo Hiệp ước Maastricht vào ngày 1/1/1993 trên cơ sở Cộng đồng châu Âu (EC).

Danh sách các thành viên EU gồm Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Italy, Đan Mạch, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Séc, Síp, Slovakia, Slovenia, Bulgaria, Romania, Croatia.

Liên minh châu Âu đã thiết lập và hoàn thiện thị trường nội bộ thống nhất thông qua việc phát hành một đồng tiền thống nhất xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên xây dựng một hàng rào thuế quan thống nhất đối với hàng hóa nhập từ ngoài vào, xóa bỏ những hạn chế đối với việc tự do di chuyển vốn sức lao động hàng hóa dịch vụ … nhằm tăng cường hợp tác, liên kết giữa các quốc gia thành viên xây dựng châu Âu thành một cực mạnh trong nền kinh tế thế giới.

EU có một hệ thống thể chế để hoạch định, điều hành và giám sát. Hệ thống này bao gồm năm cơ quan chính cùng với các bộ phận hỗ trợ cho các cơ quan trên như uỷ ban kinh tế và xã hội, ủy ban khu vực. Tổng dân số của EU vào khoảng hơn 459,7 triệu người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục