Theo phóng viên TTXVN tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tại phiên họp bất thường ngày 26/9, Nghị viện Gruzia đã thông qua các sửa đổi Hiến pháp nước này, quy định đất nước chuyển sang chế độ cộng hòa nghị viện.
Thông báo của Nghị viện Gruzia cho biết dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua với 117 phiếu thuận và chỉ có 2 phiếu chống trong tổng số 150 phiếu nghị sỹ. Các nghị sỹ phe đối lập không tham gia bỏ phiếu.
Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, khi chức vụ này được toàn dân bầu lần cuối cùng. Kể từ năm 2023, tổng thống Gruzia sẽ do hội đồng cử tri gồm 300 thành viên bầu lên.
Cũng theo Hiến pháp mới, năm 2020 bầu cử quốc hội tại Gruzia sẽ được tiến hành lần cuối cùng theo thể thức hỗn hợp, với 77 nghị sỹ được bầu theo danh sách đảng, 73 nghị sỹ được bầu theo phổ thông đầu phiếu.
Đến năm 2024, bầu cử quốc hội sẽ chỉ tiến hành theo danh sách đảng, theo hệ thống tỷ lệ. Tỷ lệ phiếu tối thiểu để được vào quốc hội cũng giảm từ 5% xuống 3% vào năm 2020.
Như vậy, sau cuộc bầu cử năm 2018, thủ tướng Gruzia sẽ là lãnh đạo quyền lực nhất ở nước này. Hội đồng An ninh trực thuộc tổng thống sẽ được thay thế bằng Hội đồng Quốc phòng trực thuộc chính phủ, song Hội đồng này chỉ được triệu tập khi xảy ra chiến tranh.
Người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng (Nội các) sẽ là Tổng tư lệnh Tối cao quân đội và cũng là người toàn quyền xác định đường lối đối ngoại của đất nước. Thủ tướng chỉ có trách nhiệm báo cáo trước quốc hội.
Các nghị sỹ đối lập, chủ yếu là đại diện cho đảng “Phong trào dân tộc thống nhất” của cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili, cùng với số cựu thành viên đảng này thành lập đảng mới “Gruzia thống nhất,” đã không tham gia bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Số nghị sỹ này đã rời khỏi phòng họp và tham dự một cuộc mít tinh nhỏ bên ngoài trụ sở dinh tổng thống ở thành phố Kutaisi, nơi tiến hành bỏ phiếu.
Ngay sau phiên họp tại Nghị viện, Tổng thống Gruzia Georgi Margvelashvili đã kêu gọi xem xét lại quá trình cải cách hiến pháp./.