GRDP bình quân đầu người của Lâm Đồng cao nhất vùng Tây Nguyên

Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế vùng bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng đạt 77,67 triệu đồng/năm, xếp hạng thứ 23 cả nước (chỉ tiêu đặt ra từ 71-73 triệu đồng).
GRDP bình quân đầu người của Lâm Đồng cao nhất vùng Tây Nguyên ảnh 1Xe buýt mui trần phục vụ du khách tham quan thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là năm phát triển toàn diện với 18/18 chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch.

Đáng chú ý trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng tới 12,9%, đứng thứ 9 cả nước, là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, sau khi đất nước vừa thoát ra khỏi đại dịch COVID-19.

Theo thông tin từ lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, sở dĩ mức tăng trưởng đạt cao như vậy là do các năm trước bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tỷ lệ tăng trưởng rất thấp.

Cụ thể năm 2020 chỉ đạt 2,58%, 2021 đạt 3,04%, từ năm 2011 đến trước khi xuất hiện đại dịch cũng chỉ loanh quanh ở mức 6 - 8%. Do nền xuất phát thấp, năm 2022 đã “chạy bù” cho cả năm 2021 nên Lâm Đồng mới đạt tốc độ tăng trưởng cao như vậy.

Con số ấn tượng nhất trong năm 2022 là GDP bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng đạt 77,67 triệu đồng/năm, xếp hạng thứ 23 cả nước (chỉ tiêu đặt ra từ 71-73 triệu đồng).

Đây cũng là con số cao nhất trong các tỉnh Tây Nguyên, vì 4 tỉnh còn lại, GDP bình quân chỉ ở mức khoảng 60 triệu đồng/người/năm.

Điều này khẳng định sau đại dịch COVID-19, các thành phần kinh tế trong tỉnh phục hồi, duy trì hoạt động, từng bước khắc phục khó khăn để phát triển.

Nhờ đó đã tạo công ăn việc làm cho 793.466 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 1,51% trong năm 2021 xuống còn 0,6% trong năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,87%, giảm 1 phần điểm phần trăm so với năm 2021.

Ngoài ra, còn có các chỉ tiêu khác vượt kế hoạch là Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 13.500 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra 11.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và bằng 139% dự toán trung ương giao; tổng kim ngạch xuất khẩu 886,7 triệu USD, tăng 27,3% so cùng kỳ.

Các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX với nhiều chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn góp phần thu hút trên 7 triệu lượt khách du lịch tới tham quan nghỉ dưỡng, tăng 340% so cùng kỳ năm trước...

12 chỉ tiêu khác của tỉnh Lâm Đồng cũng đã hoàn thành kế hoạch, gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) đạt tiêu chí nông thôn mới.

[Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên phát triển KT-XH]

Tỉnh Lâm Đồng nhận định năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Dự báo năm 2023, tình hình thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và chủ đề của Tỉnh uỷ năm 2023 là: “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá, hiệu quả; kỷ cương, nêu gương, bản lĩnh, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.”

GRDP bình quân đầu người của Lâm Đồng cao nhất vùng Tây Nguyên ảnh 2Lễ hội carnival tại Festival hoa Đà Lạt. (Ảnh: TTXVN)

Các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2023 là GRDP tăng từ 7,5-8,5%; GRDP bình quân đầu người từ 83,4-84,5 triệu đồng/người; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân từ 7-8%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 33-35% GRDP; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 13.606 tỷ đồng, tăng 23,7% so dự toán địa phương năm 2022; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 929 triệu USD, tăng 4,8% so với thực hiện năm 2022.

Tổng lượt khách du lịch đăng ký qua lưu trú 6,5 triệu lượt, tăng 18,2%... Các chỉ tiêu xã hội đặt ra là Tỷ lệ lao động qua đào tạo 77% ;Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm tối thiểu 2%.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết nhiệm vụ của năm 2023, tỉnh Lâm Đồng xác định lấy tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị làm phương châm hành động; trong đó, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; làm tốt hơn nữa bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nhà ở thương mại, thực hiện tốt việc giao đất, cho thuê đất; cần có giải pháp ngay từ đầu năm để thực hiện kế hoạch thu ngân sách năm 2023 là 14.500 tỷ đồng, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm; tái định cư là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và các cấp.

Trong năm 2023 sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các đường cao tốc nối thành phố Đà Lạt với thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành quy hoạch tỉnh Lâm Đồng và quy hoạch chung thành phố Đà Lạt cũng như các quy hoạch phân khu các; tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch; hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI…; xây dựng và giữ hình ảnh người Đà Lạt-Lâm Đồng; tăng tốc đầu tư phát triển; tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan Nhà nước; đảm bảo an ninh chính trị, tật tự an toàn xã hội…

Làm tốt công tác dân vận, công tác an sinh xã hội, đồng lòng vượt khó để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2023…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục