Grab thâu tóm Uber: Tài xế và hành khách lo độc quyền về giá cước

Sau khi Grab thâu tóm Uber, tài xế và hành khách lo ngại loại hình gọi xe công nghệ của Grab độc quyền vì tính cạnh tranh đã bị triệt tiêu đi và hãng có thể tự đơn phương tăng giá cước thời gian tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Sau khi Grab vừa công bố đã chính thức "mua đứt" Uber tại thị trường Đông Nam Á, ứng dụng đặt xe Uber sẽ hoàn toàn biến mất trên thị trường Việt Nam từ ngày 8/4. Không ít tài xế lo lắng có được đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ như Uber hoặc Grab lại tăng tỷ lệ mức chiết khấu đối với lái xe…

Trong khi đó, nhiều hành khách tỏ ra băn khoăn tài khoản đặt xe Uber (ngân hàng, thẻ ghi nợ, khách xếp hạng sao…) có được bảo lưu khi chuyển sang ứng dụng gọi xe Grab đồng thời nghi ngờ loại hình gọi xe công nghệ của Grab độc quyền vì tính cạnh tranh đã bị triệt tiêu đi và hãng xe có thể đơn phương tăng giá cước trong thời gian tới.

Khách không còn lựa chọn

Là một hành khách thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe Uber kể từ khi có mặt ở Việt Nam, chị Phan Thùy Trang, Phúc Xá, Long Biên (Hà Nội) "giật mình" khi biết được thông tin Uber đã “bán mình” cho Grab. Cuộc sát nhập này theo chị sẽ mang đến thiệt thòi cho hành khách bởi còn ít các chương trình khuyến mãi, thị trường sẽ mất đi thế cạnh tranh khi còn một công ty hoạt động, thay vì hai công ty như trước đây.

[Uber, Grab đạt thỏa thuận về chuyển giao thị trường Đông Nam Á]

“Khi lựa chọn nhu cầu đi xe công nghệ, hành khách sẽ dựa trên những tiêu chí riêng như giá cước rẻ, chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, phản ứng của hãng xe khi nhận được phản hồi từ người dùng phàn nàn về dịch vụ… Nếu các hãng không biết cách giữ chân hành khách sẽ chuyển sang Grab hoặc Uber. Thế nhưng, giờ chỉ còn mỗi Grab và hành khách phải chấp nhận thực tế phải đi xe của đơn vị này, dẫn đến chất lượng dịch vụ liệu có được nâng cao?” chị Trang thành thật chia sẻ.

Chưa kể, không chỉ chị Trang, nhiều hành khách khác cũng hoài nghi khi liệu tài khoản Uber có được bảo lưu khi chuyển sang ứng dụng gọi xe Grab? Các thông tin khác ở Uber như tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ... có bị chuyển sang Grab khi không muốn?

Anh Trần Trọng Hiếu, làm việc ở công ty du lịch trên phố Tô Hiến Thành hay sử dụng song song dịch vụ của Uber và Grab đưa ra nhận xét, về giá Uber có giá rẻ hơn khoảng 10-15% so với Grab. Tuy nhiên, Grab lại có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng.

“Gần đây, người dùng rất hiếm khi thấy Uber khuyến mãi, trong khi đó, mỗi dịp lễ lớn, Grab thường tung ra các gói khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng nên chúng tôi cảm thấy rất được quan tâm. Khi Uber không còn tồn tại, không rõ Grab có ổn định cách chính sách khuyến mãi nhằm hút khách hàng giống như trước đây,” anh Hiếu nói.

Trong khi đó, cánh tài xế chạy ứng dụng gọi xe Uber lại tỏ ra buồn vì mất đi một ứng dụng gọi xe quen thuộc. Chưa kể, lượng xe lớn khiến giới tài xế phải chạy “kép” cho cả 2 hãng để các chuyến đều hơn. Khi Uber mất đi, thu nhập tài xế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Thậm chí, một số lái xe lo ngại việc đã vay tiền ngân hàng đầu tư mua xe Uber để chạy chuyên nghiệp được một thời gian, giả sử trong trường hợp tài xế vi phạm các điều kiện hoạt động của Grab tài khoản sẽ bị khóa mà không còn nhảy ứng dụng sang Uber được nữa và sẽ mất nghề mưu sinh.

[‘Grab, Uber không thể đơn phương muốn tăng chiết khấu là tăng?’]

“Uber trước kia có chính sách tốt, nhiều ưu đãi với anh em lái xe. Tuy nhiên, chạy Grab, lái xe lại được trả giá cao hơn. Mỗi hãng lại có một khách hàng và một khung thời gian nhất định. Chạy cả hai, tài xế hạn chế quãng thời gian chạy lòng vòng đón khách, gia tăng hiệu quả số tiền mình kiếm được hàng ngày. Giờ chỉ còn mỗi Grab thì lái xe sẽ không còn thảnh thơi và lựa chọn khách giống như trước đó,” tài xế Nguyễn Thành Long, chạy Uber cho biết.

Grab liệu có giữ đúng cam kết?

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Grab cho biết, nền tảng công nghệ mở của Grab sẽ đảm bảo việc chuyển giao được suôn sẻ, trong đó, các đối tác tài xế và người sử dụng của Uber có thể dễ dàng được tích hợp vào nền tảng ứng dụng của Grab.

“Từ ngày 8/4 tới, tất cả các lái xe đang tham gia vào mạng lưới Uber sẽ được chuyển vào nền tảng Grab. Lái xe chỉ việc tải ứng dụng Grab về điện thoại, cài đặt và tham gia vào mạng lưới vận chuyển như bình thường. Tuy nhiên, thông tin tài khoản Uber của lái xe chỉ được chuyển sang Grab khi có sự đồng ý của lái xe. Riêng với tài khoản Uber của hành khách sẽ không được bảo lưu ở Đông Nam Á. Nếu hành khách là khách hàng mới của Grab, phải đăng ký tài khoản để sử dụng ứng dụng từ đầu,” đại diện Grab khẳng định.

Hành khách gọi xe thông qua ứng dụng phần mềm của Uber. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Trả lời những băn khoăn của người tiêu dùng trước việc độc quyền giá cước, đại diện Grab cho rằng, đối với các dịch vụ như GrabCar và GrabBike, giá tiền chuyến đi vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm khách đặt xe, cũng như thời gian ước tính cho cả hành trình. Điều này đảm bảo lợi ịch cho cả đối tác tài xế và khách hàng, bởi nó giúp cân bằng giữa nhu cầu đặt xe và số lượng xe.

Trấn an khách không nên quá lo lắng về Grab sẽ độc quyền, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, một số doanh nghiệp taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Thành Công cũng đã xây dựng phần mềm để cạnh tranh lại với Grab. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề là các doanh nghiệp cần xây dựng một phần mềm đủ mạnh để có thể cạnh tranh.

[Nhiều tài xế xe ôm truyền thống dùng ‘cục gạch’… chạy Uber, Grab]

Ở góc độ khác, một chuyên gia giao thông lại phân tích khi Grab thâu tóm Uber sẽ thống lĩnh thị trường, rất dễ sẽ xảy ra tình trạng độc quyền.

“Việc độc quyền sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy, khách hàng không có sự lựa chọn. Trước đây, người dân còn có sự lựa chọn, so sánh giữa Uber và Grab, nhưng nay chỉ có Grab, hành khách muốn sử dụng taxi hay xe ôm công nghệ phải chấp nhận giá do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra,” vị chuyên gia giao thông tỏ ra hoài nghi./.

Giã từ Uber, Đông Nam Á thành sân chơi riêng của Grab. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục