Grab tăng giá cước đã tác động kép đến cả tài xế và ‘thượng đế’

Trong thị trường cạnh tranh, với việc Grab đột ngột tăng cước chuyến đi, hành khách có quyền lựa chọn nhu cầu đi lại của các hãng vận tải khác.
Các tài xế Grab với những băng rôn khẩu hiệu 'Grab thu thuế VAT bất hợp lý'. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Với việc tăng giá cước của hãng xe công nghệ Grab, nhiều hành khách phàn nàn mức giá cho một chuyến đi quá cao, trong khi đó tài xế lại bị giảm tiền công cho mỗi chuyến xe.

Đột ngột tăng cước, khách hàng và tài xế “kêu trời”

Ngày 7/12, hàng trăm tài xế Grab đã tập trung đông đảo diễu hành trên nhiều tuyến phố Hà Nội để phản đối mức khấu trừ mới tăng 10% VAT sau khi áp dụng thuế giá trị gia tăng trên mỗi cuốc xe.

Trước đó, từ 5/12, Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi kilômét tiếp theo.

Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi kilômét tiếp theo.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi kilômét tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

Mặt khác, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike, trong đó tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Đối với dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển.

[Hà Nội: Hàng trăm tài xế Grab diễu hành trên phố vì mức khấu trừ mới]

Theo lái xe GrabBike Trần Thanh Hải, từ ngày 5/12, Grab đã tăng cước khá cao đối với mỗi cuốc xe. Nhiều hành khách than phiền việc tăng cước cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với giá xăng ở mức thấp sẽ khiến họ quay lưng với ứng dụng này.

“Nhiều anh em cũng đã tắt ứng dụng gọi xe (App) để phản đối hãng tăng giá bởi như này không còn đúng bản chất ‘giá cạnh tranh’ của xe công nghệ những năm trước đây. Chưa kể, vào giờ cao điểm, mức giá đã nhảy vọt lên rất nhiều và thậm chí đã có hành khách than phiền sẽ chuyển sang đi xe taxi. Thiệt hại mà cánh tài xế phải chịu không chỉ là tiền công cho mỗi chuyến xe bị giảm mà lượng khách sử dụng dịch vụ cũng sẽ ít đi,” anh Hải nói.

Là người có nhu cầu thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe của Grab, chị Phan Thùy Trang (Ba Đình, Hà Nội) khẳng định với cách tính giá mới mà Grab đưa ra thì những người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt đầu tiên.

Theo chị Trang, thời gian đầu, Grab có ưu điểm về giá cước cạnh tranh khi tiện lợi về việc gọi xe, đảm bảo an toàn, công khai giá cước và rẻ hơn xe ôm truyền thống. Tuy nhiên, với cách tính giá mới này, các dịch vụ của Grab trước đây đã gần như không còn.

“Nhiều khách hàng bày tỏ về cách làm của Grab có thể như ban đầu họ ‘rắc thính’ bằng giá rẻ để câu khách. Khi đã có thị trường ổn định, hãng gọi xe công nghệ đã bắt đầu tìm cách tận thu từ chính những người ủng hộ họ từ đầu,” chị Trang nhận định.

Có lo sợ mất thị phần khách hàng?

Hiện tại, trong các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động ở Việt Nam gồm Gojek, BE, VATO, FastGo, MyGo duy chỉ mới có Grab đã nhanh chân thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab cho hay, Grab đang tuân thủ chặt chẽ Luật thuế Giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019 và đặc biệt là Nghị định 126/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 3/12/2020.

Cụ thể, quy định Nghị định 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.

Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

“Việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế,” đại diện Grab khẳng định.

Nhiều tài xế Grab đã tắt ứng dụng chạy xe nhằm phản đối chính sách tăng giá cước của Grab. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Cũng theo Grab, doanh nghiệp này đã nhiều lần có văn bản xin hướng dẫn thực hiện Nghị định 126 nhưng chưa nhận được phản đối.

“Grab luôn lắng nghe các phản hồi từ người dùng và đối tác. Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan,” đại diện Grab bày tỏ.

Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho biết hiện nay, mỗi chuyến xe Grab đang thu của khách hàng 3 loại giá cước cùng lúc. Thứ nhất là giá mở cửa 27.000 đồng và giá mỗi kilômét tiếp theo là 9.500 đồng. Thứ hai là phí 400 đồng mỗi phút cho tổng thời gian di chuyển của mỗi chuyến xe. Thứ 3 là thu phí nền tảng của khách hàng 2.000 đồng mỗi chuyến xe.

Về cơ cấu giá của Grab, ông Long cho rằng giá cước của Grab hiện không ổn định, ở thời gian cao điểm, giá cước tăng gấp 2-3 lần so với thời gian thấp điểm.

“Hành khách nhìn giá cước Grab niêm yết có vẻ là rất rẻ nhưng Grab lại tính cả phí thời gian di chuyển (400 đồng/phút) vào giá cước thì lại không hề rẻ. Trong khi taxi chỉ tính giá cước cho quãng đường di chuyển thì Grab lại tính cả cước thời gian cho khách, việc tính phí thời gian di chuyển là hết sức vô lý. Như vậy, Grab cao hơn taxi cả về số tuyệt đối cũng như đơn giá/km,” ông Long phân tích.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, việc tăng giá cước của Grab phải làm sao đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của tài xế và của hành khách. Grab đã tăng giá cước còn tăng mức khấu trừ của tài xế có hợp lý hay không là vấn đề cần xem xét. Đối với hành khách, Grab tăng giá cước làm sao để người tiêu dùng chấp nhận được. Trong thị trường cạnh tranh, dựa trên chất lượng dịch vụ, giá cả, hành khách có quyền lựa chọn giữa các hãng vận tải khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục