Grab đang loay hoay tìm hướng đi mới để cải thiện lợi nhuận

Grab đã ghi nhận ra khoản lỗ hàng quý lên tới hàng trăm triệu USD trong vài năm qua. Các nhà đầu tư và các bên liên quan khác đang dồn áp lực yêu cầu hãng cải thiện vấn đề tài chính.
Grab đang hoạt động tại 480 thành phố ở 8 quốc gia trong khu vực. (Nguồn: AFP)

Hãng cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại thông qua ứng dụng trực tuyến Grab có trụ sở tại Singapore đã ký quan hệ hợp tác với hai “gã khổng lồ” công nghệ thế giới là Amazon.com của Mỹ và Tencent Holdings của Trung Quốc, với hy vọng tạo doanh thu cần thiết để đạt mức lợi nhuận cam kết với các nhà đầu tư vào cuối năm nay.

Hợp tác với WeChat

Một khách du lịch từ Trung Quốc đến Sân bay Changi của Singapore hiện có thể gọi xe bằng cách nhấn vào biểu tượng Grab được nhúng trong ứng dụng nhắn tin đa năng WeChat của Tencent. Chương trình này cho phép người dùng nhập điểm đến bằng tiếng Trung.

Sau khi được xe Grab đưa đến địa chỉ mong muốn, khách du lịch có thể thanh toán cho tài xế bằng ứng dụng ví kỹ thuật số của WeChat.

Sự tiện lợi này có được nhờ thỏa thuận hợp tác giữa Grab và WeChat, được triển khai vào tháng 12/2022.

Là nền tảng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á, Grab hoạt động tại 480 thành phố ở 8 quốc gia trong khu vực, và tính năng WeChat có thể được sử dụng tại tất cả các thị trường này.

Đối với một ứng dụng gọi xe, các chuyến đi đến sân bay thường được coi là công cụ kiếm tiền bởi nhu cầu cao.

[Giá trị doanh nghiệp của Grab sẽ nâng lên thành 40 tỷ USD]

Bằng cách tích hợp với WeChat, Grab có thể thu hút nhiều khách hàng hơn vì họ được tiết kiệm thời gian tải xuống một ứng dụng riêng biệt.

Việc hợp tác với WeChat, hiện có 1,3 tỷ người dùng trên toàn thế giới, sẽ mang lại cho Grab những lợi ích to lớn.

Grab vẫn phải trả phí dịch vụ cho Tencent, nhưng mức tăng thu nhập từ thỏa thuận hợp tác song phương chắc chắn sẽ cao hơn chi phí, do ứng dụng gọi xe của Grab đang nằm trong phân khúc 10% hoạt động có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.

Hợp tác với AWS

Đầu tháng 2/2023, Grab bắt đầu cung cấp dữ liệu bản đồ cho các khách hàng của Amazon Web Services (AWS), mảng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Amazon.

Thông qua dịch vụ GrabMaps này, khách hàng AWS có thể tùy chỉnh dữ liệu bản đồ ở 8 quốc gia Đông Nam Á sao cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp của họ. GrabMaps nhận về doanh thu dựa trên tần suất sử dụng.

Luce SG, một công ty dịch vụ vệ sinh của Singapore, đã mở rộng sang Indonesia và Philippines, và sử dụng dữ liệu GrabMaps để rút ngắn thời gian di chuyển của nhân viên dịch vụ và giảm tình trạng đến muộn.

Jason Zhang, Giám đốc của Luce SG, cho biết: “Chúng tôi đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận bản đồ và dữ liệu định tuyến đáng tin cậy nhằm điều động nhân viên dịch vụ của mình, đặc biệt là với số lượng lớn các con đường không chính thức hiện nay trong khu vực.”

Trong bối cảnh đó, sự khác biệt mà Grab mang lại đến từ việc liên tục cập nhật bản đồ sử dụng dữ liệu từ các tài xế.

Giám đốc Zhang cho biết: “Với Amazon Location Service và GrabMaps hỗ trợ điều phối và định tuyến, chúng tôi tự tin mình có thể đạt mục tiêu hiệu suất đúng giờ ở tất cả các khu vực hoạt động, bao gồm cả những khu vực bên ngoài Singapore.”

Alex Hungate, Giám đốc điều hành của Grab, trích dẫn những lợi ích trực tiếp và gián tiếp của việc hợp tác với công ty công nghệ Mỹ.

Giám đốc Hungate bày tỏ tin tưởng rằng hợp đồng với AWS không chỉ mang lại doanh thu trực tiếp cho Grab mà còn giúp tập đoàn dễ dàng thu hút khách hàng mới nhờ việc được hợp tác với một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Hướng đi mới của Grab

Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Grab sẽ tập trung vào các giao dịch của khách hàng với đối tác ngân hàng số Singapore Telecommunications, tập đoàn Emtek của Indonesia và tập đoàn Kuok của Malaysia.

Đây là giao dịch tài chính được trang bị thêm ngoài các giao dịch mà Grab đã thực hiện với khách hàng và tài xế trên nền tảng của mình.

Một tài xế Grab tại Việt Nam. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Grab trước đây thực hiện chiến lược thu hút khách khách hàng và tăng tỷ lệ sử dụng thông qua các chiến dịch quảng cáo và chiết khấu lớn nhưng hiện nay tập đoàn đến từ Singapore đang chuyển hướng mạnh mẽ để đạt lợi nhuận nhanh hơn.

Grab đã ghi nhận ra khoản lỗ hàng quý lên tới hàng trăm triệu USD trong vài năm qua. Các nhà đầu tư và các bên liên quan khác đang dồn áp lực yêu cầu hãng cải thiện vấn đề tài chính.

Trong số đó, việc rút dần các chiến dịch quảng cáo không hiệu quả hay giảm giá dịch vụ là những công cụ giúp dễ dàng thúc đẩy lợi nhuận.

Trong quý 4/2022, Grab đã cắt giảm 29% chi phí hỗ trợ việc xúc tiến bán hàng, giúp cắt giảm ít nhất 60% số lỗ ròng.

Tháng trước, Grab cho biết họ đặt mục tiêu ghi nhuận lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đã điều chỉnh trong quý 4/2023, sớm hơn mục tiêu đưa ra hồi tháng Chín năm ngoái là nửa cuối năm 2024.

Thanh khoản tiền mặt ròng đạt 5 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022 nhưng Grab nói rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí nếu có thể.

Peter Oey, Giám đốc Tài chính của Grab, cho biết: "Chúng tôi đã đóng băng việc tuyển dụng ở hầu hết các mảng chức năng của Grab trong khu vực."

Grab cũng đang điều chỉnh lại cách tiếp cận sau khi đã tích lũy được một lượng lớn khách hàng. Số lượng người dùng hàng tháng gần đây nhất là 33,6 triệu người, tăng 4 triệu người so với một năm trước đó.

Song song với đó, tỷ lệ tài khoản sử dụng hai hoặc nhiều hơn các dịch vụ của Grab, chẳng hạn như gọi xe hoặc giao đồ ăn, đã tăng lên 61% trong năm 2022 từ mức khoảng 42% của năm 2019, cũng là giai đoạn trước đại dịch.

Những hoài nghi trên thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, Grab đã thất bại trên thị trường chứng khoán. Ngày 23/2, mặc dù đã công bố mục tiêu đạt EBITDA dương vào cuối năm nay nhưng giá cổ phiếu của Grab vẫn giảm 8%.

Sachin Mittal, chuyên gia phân tích tại DBS Group Research, cho rằng Grab sẽ vẫn thua lỗ vào năm 2025. Chuyên gia này dự báo đặt giá mục tiêu cho cổ phiếu Grab sẽ thấp hơn 70% so với mức giá khởi điểm vào tháng 12/2021.

“Lợi nhuận dài hạn là mối quan tâm chính,” ông Mittal viết và cho biết lợi nhuận cuối cùng sẽ đạt đỉnh khi thị trường bão hòa.

Tong Yen Hee, Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết: “Các nhà đầu tư sẽ vẫn cứng rắn với các công ty công nghệ Đông Nam Á chừng nào những trở ngại kinh tế vĩ mô phát sinh từ môi trường lãi suất cao và lạm phát vẫn tiếp diễn.”

Lạm phát dài hạn có thể khiến người tiêu dùng ngừng sử dụng dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn, đồng thời các nền tảng có thể phải đối mặt với chi phí cao hơn do sự xuất hiện của các quy tắc bảo vệ người lao động hợp đồng.

Grab, từng được biết đến là công ty khởi nghiệp tăng trưởng nổi bật của Đông Nam Á, đang điều hướng môi trường kinh doanh được định hình lại sau sự sụp đổ của “bong bóng” công nghệ toàn cầu.

Để làm được điều này và xoa dịu các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn, Grab cần cải thiện các công cụ tài chính của mình trong khi vẫn duy trì tăng trưởng trong các mảng kinh doanh vận chuyển và gọi xe chủ lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục