Chiều 2/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thanh niên công chức, viên chức, doanh nhân trẻ, lực lượng vũ trang góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII).
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Lại Xuân Lâm khẳng định với chủ đề "Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng," cùng với tuổi trẻ cả nước, trên 90.000 đoàn viên, thanh niên của Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng khắp, khẳng định rõ hơn vị thế, vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Đặc biệt, trong đợt thi đua cao điểm hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, dấu ấn của tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương ngày càng thể hiện rõ nét thông qua việc tập hợp được nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII Đảng bộ Khối; qua các công trình, phần việc thanh niên có giá trị, thiết thực với cộng đồng xã hội.
Khẳng định sự ghi nhận của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đối với những nỗ lực, cố gắng, thành tích đạt được của Đoàn Khối và các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong Khối, tại Hội nghị lần này, ông Lại Xuân Lâm mong muốn tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương mà đại diện là các cán bộ, công chức trẻ tiêu biểu cùng đại diện lực lượng doanh nhân trẻ và lực lượng vũ trang toàn quốc sẽ tích cực thảo luận, trao đổi, đóng góp những ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, bày tỏ sự kỳ vọng và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước trong những thập niên tới đây.
Nhấn mạnh việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII là nhiệm vụ, cơ hội thể hiện trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp thanh niên, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, các cấp bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã lên kế hoạch và tổ chức nhiều hội nghị, chương trình lấy ý kiến thông qua nhiều kênh và bằng nhiều cách thức khác nhau, với phương pháp tổ chức đổi mới như lấy ý kiến trên mạng xã hội, mở chuyên mục trên các cơ quan báo chí của Đoàn...
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngyễn Ngọc Lương, tất cả ý kiến đóng góp sẽ được cơ sở Đoàn các cấp tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trước ngày 10/11.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ với Đảng, đồng thời nói lên tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của thanh niên.
Đa số các đại biểu bày tỏ sự nhất trí với dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cho rằng các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, hệ thống, có cấu trúc chặt chẽ, nội dung phản ánh đầy đủ kết quả thực hiện những nhiệm vụ mà nhiệm kỳ Đại hội XII đã xác định.
['Thời gian góp ý văn kiện Đại hội Đảng ngắn nên cần tổ chức hiệu quả']
Các dự thảo văn kiện đã đổi mới cách đánh giá, có nhiều điểm bám sát thực tiễn đất nước; bố cục logic, văn phong mạch lạc, rõ ràng; thể hiện tính khách quan, toàn diện trong đánh giá các thành tựu, kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân cũng như trong xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Văn phòng Trung ương Đảng Phùng Quang Thắng, so với Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII có nhiều điểm mới trong cách đặt vấn đề, phương pháp tiếp cận, tầm bao quát, tầm nhìn cũng như những đánh giá, dự báo về tình hình đất nước trong nhiều năm tới.
Xuất phát từ thực tiễn đổi mới, phát triển của đất nước, Bí thư Đoàn Thanh niên Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường vào nội dung "phát triển kinh tế-xã hội" thành "phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm."
Theo ông Phùng Quang Thắng, đề xuất này xuất phát từ thực tế ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường (bao hàm cả tài nguyên, biến đổi khí hậu) là một thể thống nhất, ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau, trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên đang là thách thức rất gay gắt, ngày càng tác động mạnh, thường xuyên đến tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, cuộc sống của nhân dân.
Góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác Quần chúng Quân chủng Hải quân, khẳng định phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán của Đảng, phù hợp với quy luật khách quan của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thượng tá Phạm Khoa Nam đề xuất một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó xây dựng vững chắc thế trận an ninh, thế trận "lòng dân;" thực hiện kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh từ trong quy hoạch, chương trình, dự án phát triển các lĩnh vực, mang tính lưỡng dụng cao; nghiên cứu xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên các đảo, quần đảo, tiếp tục đầu tư cho các đảo xa bờ.../.