Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII: Phát huy nguồn lực các tôn giáo

Chiều 12/10, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.
(Ảnh minh họa: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Chiều 12/10, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.


Thể hiện rõ tinh thần tự do tôn giáo

Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội, Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng Phật giáo là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Trong Phật giáo có trọng ân, trong đó đề cao ân tổ quốc.

Do vậy trong quá trình tu hành và phụng đạo, chức sắc, tín đồ Phật giáo luôn lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, coi đó là một trong những ân đức trọng tâm của việc tu hành. Lần đầu tiên trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng đã đúc kết một cách thực tiễn nhất để đưa ra một cách nhìn, đánh giá đúng về vai trò của tôn giáo, đồng thời thể hiện tinh thần tự do tôn giáo rất cao.

Đảng Cộng sản Việt Nam nên chú trọng việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo để dù là ai cũng luôn sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm cấm việc chia rẽ, lợi dụng tôn giáo hoặc làm các việc trái pháp luật.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam đề nghị: Nhà nước không chỉ tạo điều kiện pháp lý mà còn phải tạo điều kiện xã hội để tôn giáo hoạt động. Đã đến lúc cho phép các tôn giáo hoạt động trên 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo và coi đây như nguồn lực của quốc gia để những người nghèo, người bất hạnh trong xã hội sẽ vơi bớt nỗi đau của mình.

Ông Trương Hải Cường, nhà nghiên cứu về tôn giáo nhận định: Về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo nên thêm từ “hoạt động” trước tín ngưỡng, tôn giáo để tránh hiểu nhầm dù vô tình hay hữu ý. Có lẽ, báo cáo chính trị nên coi tôn giáo là một nguồn lực xã hội, vì tôn giáo không chỉ là nguồn lực trí tuệ mà còn là nguồn lực văn hóa, nguồn lực vật chất…


Đánh giá đúng vai trò của đội ngũ trí thức

Theo ông Dương Phú Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Hà Nội, trong mục XII, Dự thảo cũng đã nêu những kết quả có được nhờ xây dựng khối đại đoàn kết và cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của công tác này.

Dự thảo cũng nêu “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.”

Chủ nghĩa Mác-Lê nin chỉ ra nguyên tắc liên minh công nông, về sau bổ sung thêm đội ngũ trí thức, nhưng do sự phát triển mau chóng của khoa học công nghệ nên ranh giới của các giai cấp không rõ ràng. Người công nhân cũng có thể là người trí thức vì học cũng có thể nghiên cứu khoa học, cũng sáng tạo.

Công nhân Việt đã chế tạo ra máy bay, tàu ngầm. Bác nông dân “Hai lúa”cũng chế tạo ra máy móc khiến các nhà khoa học Israel phải công nhận phát minh.

Trong dự thảo chỉ nói tới công nhân, nông dân và trí thức mà quên một tầng lớp quan trọng đó là đội ngũ doanh nhân, trong khi chính họ lại là người tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm và ngoại tệ cho xã hội. Ông Oanh đề nghị sửa lại “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh tất cả những người lao động chân tay cũng như trí óc dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bổ sung thêm vào phần chính sách đối với các giai tầng xã hội như đối với giai cấp công nhân bổ sung cần có chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh việc trí thức hóa giai cấp công nhân.

Đối với nông dân, cần bổ sung thêm việc “khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, chủ trang trại hợp tác với nông dân để phát triển sản xuất theo định hướng thị trường, ổn định và nâng cao đời sống.”

Đối với đội ngũ trí thức cần phải khuyến khích các hoạt động giao lưu, hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học trong nước với nước ngoài, nhất là nước công nghiệp phát triển để nhanh chóng nâng cao trình độ của trí thức lên ngang tầm khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ buổi góp ý, các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến về việc làm thế nào để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm thế nào để giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục