Góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện

Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh.
Góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện; thảo luận tại Tổ về nội dung này.

Tờ trình về dự án Luật nêu rõ Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân.

[Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thúc đẩy phát triển thư viện số]

Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.

Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Đại biểu Trần Văn Túy (Bắc Ninh) cho rằng Luật Thư viện phải quan tâm đến vấn đề tiếp cận thông tin, thúc đẩy văn hóa đọc, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận thông tin, tạo nền tảng tri thức. Cho rằng nội dung Luật chưa giải quyết được căn cơ vấn đề, hệ thống thư viện công lập hiện nay còn bất cập về mô hình tổ chức, từ thôn, xã, huyện, tỉnh, ông Trần Văn Túy băn khoăn khi lượng độc giả sử dụng thư viện còn rất hạn chế...

"Chúng ta cần nghiên cứu làm sao để có thể đẩy mạnh xã hội hóa thư viện, phát triển tốt hệ thống thư viện ngoài công lập," đại biểu nêu ý kiến.

Góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đề cập đến vấn đề xây dựng thư viện số, đại biểu Trần Văn Túy cho rằng điều quan trọng nhất là phải có sự liên thông về dữ liệu và việc triển khai thực hiện cũng rất công phu. Theo đại biểu, bước đầu cần nghiên cứu, đầu tư có trọng điểm để số hóa sách dùng chung cũng như cơ chế quản lý, đảm bảo theo kịp xu thế phát triển của thời đại...

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng dự án Luật Thư viện cần quy định phù hợp hơn về địa điểm; cán bộ thư viện ngoài trình độ chuyên môn, có cần quy định về trình độ công nghệ thông tin hay không cũng cần được làm rõ trong Luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục