Góp 8% cổ phần, Ấn Độ trở thành cổ đông lớn thứ hai của AIIB

Ấn Độ là cổ đông lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của AIIB với tỷ lệ góp vốn là 8,52% và quyền biểu quyết là 7,5%. Trong khi đó, Malaysia trì hoãn việc trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng AIIB.
Góp 8% cổ phần, Ấn Độ trở thành cổ đông lớn thứ hai của AIIB ảnh 1Lễ ký kết thành lập AIIB. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo The Hindu ngày 30/6 đưa tin Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Ashok K Kantha đã dẫn đầu đoàn đại biểu Ấn Độ tham gia lễ ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 29/6.

Ấn Độ cùng 49 thành viên sáng lập AIIB đã ký kết các điều khoản chính thức liên quan đến việc vốn góp của mỗi thành viên và vốn điều lệ của thể chế tài chính này.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ đóng góp 30,34% trong tổng số 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB, đổi lại Bắc Kinh sẽ nhận được 26,06% quyền biểu quyết về các quyết định quan trọng liên quan tới hoạt động của ngân hàng này.

Ấn Độ là cổ đông lớn thứ hai của AIIB với tỷ lệ góp vốn là 8,52% và quyền biểu quyết là 7,5%. Bảy quốc gia khác sẽ ký thỏa thuận tham gia với tư cách thành viên sáng lập của AIIB trước tháng 12/2015 - thời điểm AIIB dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

Trả lời phỏng vấn báo trên, Giám đốc Viện Tài chính công và Chính sách ở New Delhi, Rathin Roy nhận định AIIB là một hình mẫu về sự hợp tác mang tính xây dựng giữa các nền kinh tế mới nổi để mở rộng không gian tài chính cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng...

Theo quan chức này, đây là một sáng kiến khu vực, bổ sung đầy đủ cho sáng kiến toàn cầu như Ngân hàng Phát triển mới, do các quốc gia BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thành lập.

Trong một diễn biến liên quan, tờ The Star của Malaysia ngày 30/6 đưa tin nước này đã trì hoãn việc trở thành thành viên sáng lập của AIIB. Như vậy, Malaysia là một trong số bảy quốc gia còn lại chưa ký các điều khoản thỏa thuận thành lập ngân hàng này.

Hiện các nước châu Á sẽ nắm giữ tối thiểu 75% vốn cổ phần của ngân hàng này, và việc phân bổ vốn cổ phần cho các thành viên dựa trên quy mô nền kinh tế của mỗi nước. Cho đến nay, Mỹ và Nhật Bản vẫn tuyên bố không tham gia thỏa thuận thành lập AIIB./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục