Google mở rộng chiến dịch nhận diện thông tin sai lệch ở châu Âu

Trong khuôn khổ chiến dịch nhận diện mới, tập đoàn công nghệ Google sẽ phát hành một loạt video ngắn, giúp nhận biết các kỹ thuật phổ biến được dùng để phát tán các nội dung sai lệch.
Google mở rộng chiến dịch nhận diện thông tin sai lệch ở châu Âu ảnh 1Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin AP (Mỹ), sau khi nhận thấy những kết quả đầy hứa hẹn tại một số quốc gia Đông Âu, tập đoàn công nghệ Google sẽ triển khai một chiến dịch "nhận diện" mới tại Đức nhằm giúp hạn chế tác động từ các thông tin sai lệch trực tuyến đối với người dùng.

Trong khuôn khổ chiến dịch trên, Google sẽ phát hành một loạt video ngắn, giúp nhận biết các kỹ thuật phổ biến được dùng để phát tán các nội dung sai lệch. Các đoạn video sẽ xuất hiện dưới dạng quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, YouTube hoặc TikTok ở Đức.

Chiến dịch mới của Google tại nước này sẽ bao gồm việc xác thực các bức ảnh và video. Google dự kiến công bố chiến dịch tại Đức trước thềm Hội nghị An ninh Munich vào tuần tới. Trong khi đó, một chiến dịch tương tự đang được triển khai tại Ấn Độ.

Chiến dịch “nhận diện” hướng dẫn người dùng cách phát hiện những tuyên bố sai lệch trước khi họ đọc được những nội dung như vậy đang nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu và các công ty công nghệ.

[Google "tiếp lửa" cho cuộc cạnh tranh AI tạo sinh với Microsoft]

Bà Beth Goldberg, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển tại công ty con Jigsaw của Google, nhấn mạnh rằng hiện rất cần giải pháp cho vấn đề này. Sử dụng quảng cáo làm phương tiện để đối phó với kỹ thuật lan truyền thông tin sai lệch là điều khá mới. Dù vậy, Google rất vui mừng về những kết quả đạt được cho đến nay.

Mặc dù những tin tức giả mạo không phải là vấn đề mới, nhưng tốc độ và phạm vi của mạng Internet đã khiến những thông tin sai lệch này được phán tán và chia sẻ vô cùng nhanh chóng.

Các thông tin thất thiệt khi kết hợp với các thuật toán có thể gây mất lòng tin vào những điều đúng đắn, kích động bạo lực và cổ súy cho những tư tưởng lệch lạc...

So với việc cần thời gian dài để báo chí xác thực thông tin hay để các công ty công nghệ kiểm duyệt nội dung, các video “nhận diện” tương đối rẻ, dễ sản xuất và có thể được hàng triệu người theo dõi khi đưa lên các nền tảng phổ biến.

Trước đó, vào mùa Thu năm ngoái, Google đã tiến hành cuộc thử nghiệm lớn chưa từng có với việc phát hành một chiến dịch video “nhận diện” ở Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia. Các video đã thu hút 38 triệu lượt xem trên Facebook, TikTok, YouTube và Twitter, tương đương với phần lớn dân số tại 3 quốc gia này.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng so với những người chưa xem video, những người đã xem có nhiều khả năng xác định các kỹ thuật đăng tải thông tin sai lệch tốt hơn và ít có khả năng chia sẻ những nội dung đó. Dự án thí điểm này đã củng cố thêm các ý kiến chuyên môn ủng hộ biện pháp sử dụng các video "nhận diện"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục