Google Maps sẽ hiển thị đường biên giới tùy thuộc vào vị trí người xem

Cách hiển thị đường biên giới trên Google Maps phản ánh thực tế mà Google và những gã khổng lồ khác ở Thung lũng Silicon hoạt động khi phải đối mặt với sự nhạy cảm chính trị trên thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Beebom)

Theo tờ The Washington Post, dịch vụ bản đồ số Google Maps tới đây sẽ hiển thị đường biên giới chính trị giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ tùy thuộc vào vị trí của người xem.

Ví dụ, như Kashmir, khu vực Ấn Độ và Pakistan đã tranh chấp trong hơn 70 năm qua. Người xem bản đồ ở Pakistan và các nơi khác sẽ thấy các đường viền được vẽ dưới dạng một đường kẻ chấm, biểu thị một tranh chấp. Nhưng ở Ấn Độ, mọi người lại nhìn thấy một đường thẳng cho thấy khu vực này là một phần của Ấn Độ. Cách hiển thị đường biên giới này rõ ràng là quá khác nhau.

Hay như vùng nước ngăn cách Nhật Bản và Hàn Quốc được hiển thị rộng rãi trên hầu hết các bản đồ thế giới dưới dạng Biển Nhật Bản nhưng ở Hàn Quốc nó sẽ có tên là Biển Đông (East Sea).

Cách hiển thị đường biên giới trên phản ánh thực tế mà Google và những gã khổng lồ khác ở Thung lũng Silicon hoạt động khi phải đối mặt với sự nhạy cảm chính trị trên thế giới.

Thách thức của các khu vực tranh chấp không phải là vấn đề mới - các nhà sản xuất bản đồ in cũng phải đối phó với nó - nhưng tốc độ và tính kết nối của phần mềm có thể khiến sự khác biệt xuất hiện nhiều hơn.

[Ukraine "giận tím mặt" khi Apple đánh dấu Crimea thuộc Nga trên bản đồ]

Trong khi thực hiện các quyết định trên, Google cho biết họ hợp tác với các tổ chức như Nhóm chuyên gia về tên địa lý của Liên hợp quốc (UNGEGN) và xem xét các hiệp ước và đình chiến. Hãng công nghệ Mỹ thừa nhận rằng họ đã chiều theo chính quyền các nước về vấn đề biên giới.

"Chúng tôi vẫn trung lập về các vấn đề của các khu vực và biên giới tranh chấp, và cố gắng hiển thị một cách khách quan các tranh chấp trong bản đồ của chúng tôi bằng cách sử dụng đường viền màu xám nét đứt," Ethan Russell, giám đốc quản lý sản phẩm của Google Maps, cho biết. "Ở các quốc gia nơi chúng tôi có phiên bản Google Maps địa phương, chúng tôi tuân thủ luật pháp địa phương khi hiển thị tên và đường viền."

Theo tờ The Washington Post, đối với các quyết định biên giới nhạy cảm hơn, Google dựa vào một nhóm nhân viên đặc biệt gọi là "nhóm khu vực tranh chấp."

Với quy mô của Google Maps, mới tròn 15 tuổi, quyết định hiển thị đường biên giới như trên là không hề nhỏ.

Vào tháng 12/2019, Google thông báo rằng Maps đã đặt được hơn 10 triệu dặm (hơn 16 triệu km) của dịch vụ hình ảnh Street View. Khoảng cách này, Google cho biết, sẽ đi vòng quanh Trái Đất hơn 400 lần.

Hãng này cũng cho biết Google Earth, dịch vụ bản đồ không gian, có tổng cộng 36 triệu dặm vuông (khoảng hơn 93 triệu km2) hình ảnh vệ tinh để mọi người duyệt.

Với bộ sưu tập đó, Google đã vạch ra các khu vực trên thế giới nơi 98% người dân sinh sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục