Google, Facebook tìm kiếm thỏa thuận với giới truyền thông Australia

Australian Community Media đã đạt được một thỏa thuận cấp phép nội dung tin tức với Google, trong khi Facebook đã bắt đầu thảo luận về việc triển khai tính năng “Tin tức” (News Tab) ở Australia.
Google, Facebook tìm kiếm thỏa thuận với giới truyền thông Australia ảnh 1Biểu tượng của Facebook và Google trên màn hình máy tính bảng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ Google và Facebook đang đẩy mạnh đàm phán về các thỏa thuận cấp phép nội dung tin tức với các công ty truyền thông Australia trong khi cơ quan quản lý cạnh tranh của nước này chuẩn bị công bố một bộ quy tắc bắt buộc các đại gia công nghệ phải trả tiền cho việc sử dung nội dung tin tức.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 27/7, nhật báo The Sydney Morning Herald đưa tin mới đây nhất, công ty truyền thông Australian Community Media (ACM) đã đạt được một thỏa thuận cấp phép nội dung tin tức với Google, trong khi Facebook đã bắt đầu thảo luận về việc triển khai tính năng “Tin tức” (News Tab) ở Australia với một loạt các công ty truyền thông địa phương.

Trong khi đó, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) dự kiến sẽ công bố dự thảo bộ quy tắc ứng xử bắt buộc vào cuối tuần này.

[Google Australia không trả tiền cho tin tức xuất hiện ở các tìm kiếm]

Trong nhiều năm qua, các doanh nghiêp truyền thông đã yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức, nhưng cả hai "đại gia" công nghệ này đều khẳng định nội dung tin tức không đem lại nhiều giá trị cho các nền tảng của họ.

Sau nhiều tháng thảo luận về việc xây dựng ra một bộ quy tắc tự nguyện để quản lý các mối quan hệ thương mại giữa các công ty công nghệ và doanh nghiệp truyền thông, Chính phủ Australia đã tuyên bố trong tháng 4/2020 rằng sẽ ban hành một bộ quy tắc bắt buộc sớm nhất là vào tháng Tám tới.

Các hãng truyền thông lớn của Australia, bao gồm News Corp Australia và Nine Entertainment, cũng như các đài truyền hình ABC và SBS được chính phủ tài trợ, Guardian Australia, Daily Mail Australia, và Private Media và Schwartz Media, đều hy vọng sẽ nhận được một khoản tiền sau khi bộ quy tắc bắt buộc này được ban hành.

Theo các nguồn tin trong ngành truyền thông Australia, mô hình được áp dụng sẽ bao gồm một thỏa thuận thương lượng tập thể dựa theo các hướng dẫn nhất định cùng với cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán song phương.

Tập đoàn truyền thông News Corp ủng hộ các cuộc đàm phán song phương, trong khi các doanh nghiệp truyền thông khác, trong đó có Nine Entertainment, lại đề xuất các khoản tiền thu được sẽ đưa chung vào một quỹ và phân phối lại, và trong trường hợp một nền tảng kỹ thuật số có nhu cầu sử dụng nội dung tin tức theo một cách phức tạp hơn, hai bên có thể tổ chức các cuộc đàm phán song phương.

Cho đến nay Google và Facebook vẫn khẳng định họ không thu được nhiều lợi nhuận một cách trực tiếp hay gián tiếp từ nội dung tin tức.

Google đã đóng cửa tính năng tin tức của mình ở Tây Ban Nha vào năm 2014 sau khi nước này ban hành luật bắt buộc hãng phải trả tiền cho các doanh nghiệp sản xuất tin tức.

Trong khi đó, khi Chính phủ Pháp cố gắng buộc Google trả tiền cho nội dung của các doanh nghiệp truyền thông địa phương vào năm ngoái, "gã khổng lồ" công nghệ đã tuyên bố sẽ thay đổi cách tin tức xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm.

Mặc dù vậy, hai "đại gia" công nghệ này vẫn tìm cách hợp tác với các doanh nghiệp truyền thông.

Tháng trước, Google công bố sẽ trả tiền sử dụng nội dung tin tức cho một số doanh nghiệp truyền thông, một động thái được coi là sự thay đổi chiến lược lớn của gã khổng lồ này.

Vào thời điểm đó, Google thông báo đã đạt được các thỏa thuận cấp phép nội dung với các doanh nghiệp truyền thông Solstice Media, Schwartz Media và Private Media và đang có cuộc thảo luận với ACM./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục