Google đối mặt với khiếu nại chống độc quyền ở dịch vụ tìm việc làm

Jobindex khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) rằng Google đã ưu đãi một cách không công bằng cho Google for Jobs - dịch vụ tìm kiếm việc làm riêng của hãng.
Google đối mặt với khiếu nại chống độc quyền ở dịch vụ tìm việc làm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: sixgun.com.au)

Google đối mặt với khiếu nại chống độc quyền mới, khi công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm trực tuyến Jobindex của Đan Mạch ngày 27/6 khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) rằng Google đã ưu đãi một cách không công bằng cho Google for Jobs - dịch vụ tìm kiếm việc làm riêng của hãng.

Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ xem xét khiếu nại theo đúng trình tự thủ tục.

Cách đây 4 năm, trang tìm kiếm việc làm Stepstone của tập đoàn truyền thông Đức Axel Springer cũng đã đưa ra khiếu nại tương tự với Google.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jobindex, Kaare Danielsen, khẳng định Jobindex đã xây dựng được một kho dữ liệu lớn về việc làm tại Đan Mạch khi Google for Jobs mới đặt chân vào thị trường nước này vào năm ngoái.

[Google phải bồi thường 250 triệu USD vì gây thiệt hại tinh thần]

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn sau đó, Jobindex đã bị mất 20% lưu lượng tìm kiếm việc làm cho dịch vụ của Google.

Theo ông Danielsen, thông qua việc đưa dịch vụ của mình lên đầu trang kết quả tìm kiếm, Google đã ẩn đi những công việc liên quan nhất mà người dùng đang tìm.

Trong khi đó, các nhà tuyển dụng không còn có thể tiếp cận tất cả những người đang tìm việc, trừ phi họ sử dụng dịch vụ của Google.

Ông nhấn mạnh hành vi này không chỉ cản trở cạnh tranh giữa các dịch vụ tuyển dụng, mà còn làm suy yếu thị trường lao động, vốn đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ nền kinh tế nào.

Bên cạnh đó, Jobindex cũng chỉ ra việc một số bài đăng quảng cáo việc làm của hãng bị sao chép mà không xin phép và Google for Jobs đã đăng quảng cáo thay cho các đối tác của Jobindex.

Hãng cũng cảnh báo những nguy cơ về quyền riêng tư đối với các ứng viên tìm việc và khách hàng.

Đáp lại, Google khẳng định bất kỳ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm nào đều có thể tham gia sử dụng dịch vụ của Google và các công ty đều nhận thấy lưu lượng truy cập tăng lên và các kết quả tìm kiếm việc làm trùng khớp nhờ tính năng này.

Dịch vụ của Google bao gồm các bài đăng tổng hợp từ nhiều nhà tuyển dụng, cho phép các ứng viên lọc, lưu lại và nhận thông báo về việc làm mới. Google đã thiết kế một cửa sổ lớn dành riêng cho dịch vụ này ở trên đầu kết quả tìm kiếm thông thường.

Ra mắt tại châu Âu vào năm 2018, Google for Jobs đã đối mặt với chỉ trích từ 23 trang tìm kiếm việc làm trực tuyến vào năm 2019.

Các trang này đều phàn nàn bị mất thị phần sau khi Google sử dụng vị thế độc quyền để tăng lượng truy cập cho dịch vụ mới của mình.

Trong những năm gần đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager đã phạt Google hơn 8 tỷ euro (8,4 tỷ USD) vì những hành vi phi cạnh tranh. Cách đây 3 năm, Vestager đã để mắt đến dịch vụ tìm kiếm việc làm Google for Jobs nhưng chưa có hành động cụ thể.

Google đã đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan chống độc quyền trong hàng loạt dịch vụ, từ thúc đẩy các nhà sản xuất điện thoại sử dụng ứng dụng của hãng đến can thiệp vào kết quả tìm kiếm nhằm giành ưu thế cho dịch vụ mua sắm riêng.

Tháng Hai vừa qua, công ty cung cấp dịch vụ so sánh giá cả PriceRunner của Thụy Điển đã kiện Google đòi bồi thường 2,1 tỷ euro (2,2 tỷ USD), khi cho rằng Goolge đã không điều chỉnh hành vi phi cạnh tranh mặc dù đã bị phạt tới 2,42 tỷ euro (2,56 tỷ USD) vào năm 2017 do thiên vị cho dịch vụ mua sắm so sánh giá cả của hãng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục