Google đạt thỏa thuận giải quyết tranh cãi với các nhà xuất bản Pháp

Thỏa thuận Google sẽ trả tiền cho các nội dung tin tức của AFP đạt được sau khi Pháp ban hành một luật bản quyền yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải đàm phán với các hãng tin về việc trả phí.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Google và hãng tin AFP của Pháp ngày 17/11 cho biết đã ký một thỏa thuận “tiên phong” có thời hạn 5 năm, trong đó Google sẽ trả tiền cho các nội dung tin tức của AFP.

Thỏa thuận trên của AFP đạt được sau khi Pháp ban hành một luật bản quyền yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải đàm phán với các hãng tin về việc trả phí.

Google từ chối tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận, nhưng xác nhận thỏa thuận này sẽ có thời hạn 5 năm. Trong một thông báo chung, AFP và Google cho biết hai bên cũng sẽ hợp tác trên nhiều dự án, như xác thực tin tức.

Thỏa thuận trên không đưa AFP tham gia vào tính năng News Showcase của Google. Năm 2020, Google đã cho ra mắt tính năng này, trong đó đăng tải các nội dung tin tức từ hơn 1.000 hãng tin đã đồng ý cấp phép nội dung có trả phí.

[Pháp yêu cầu Google trả phí bản quyền cho các tập đoàn truyền thông]

Reuters cũng đã ký một thỏa thuận tham gia News Showcase với Google vào tháng Một năm nay, và chủ sở hữu của tờ Wall Street Journal là tập đoàn News Corp đã đạt được một thỏa thuận tương tự một tháng sau đó.

Trong năm nay, Google đã đồng ý trả 76 triệu USD trong ba năm cho một nhóm bao gồm 121 hãng tin của Pháp, trong đó không có AFP. Nhưng thỏa thuận này vẫn đang bị “treo” để chờ kết quả một vụ kiện chống độc quyền, trong đó cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp cáo buộc Google không đàm phán một cách có thiện ý.

Bị mất phần lớn doanh thu quảng cáo cho các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook, các cơ quan báo chí suốt nhiều năm qua vẫn phàn nàn về việc các công ty công nghệ sử dụng các nội dung tin tức của họ trong các kết quả tìm kiếm hay các tính năng khác mà không trả phí.

Được thúc đẩy bởi sự vận động của ngành truyền thông và áp lực từ dư luận, các luật mới ở Pháp và Australia đã giúp các nhà xuất bản có tiếng nói lớn hơn, dẫn đến một loạt thỏa thuận cấp phép trên toàn thế giới với tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục