Google cấm quảng cáo cho vay ngắn hạn vì cho là "lừa bịp"

Nhà cung cấp công cụ tìm kiếm khổng lồ trên mạng Google vừa thông báo sẽ cấm tất cả các quảng cáo cho vay ngắn hạn, lãi suất cao, cho rằng hình thức cho vay này là "lừa bịp" và "nguy hại."
Google cấm quảng cáo cho vay ngắn hạn vì cho là "lừa bịp" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: smallbiztrends.com)

Nhà cung cấp công cụ tìm kiếm khổng lồ trên mạng Google ngày 11/5 thông báo sẽ cấm tất cả các quảng cáo cho vay ngắn hạn, lãi suất cao, cho rằng hình thức cho vay này là "lừa bịp" và "nguy hại."

Từ ngày 13/7, Google sẽ không cho phép quảng cáo các khoản vay đáo hạn trong vòng 60 ngày và cũng sẽ cấm quảng cáo về các khoản vay có lãi suất từ 36% trở lên.

Loại quảng cáo này sẽ được đưa vào danh sách các quảng cáo bị cấm của Google, cùng với các quảng cáo hàng giả, vũ khí, chất nổ, thuốc lá và các phát ngôn có tính chất xúc phạm hay đe dọa.

Lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các khoản vay như thế chấp, mua ôtô, cho sinh viên, các doanh nghiệp hay thẻ tín dụng.

Thông báo của Google có thể sẽ có tác động lớn hơn bất kỳ một quy định mới nào.

Cứ hai trong ba yêu cầu tìm kiếm trên Internet tại Mỹ là được thực hiện với Google và mạng lưới quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới cũng thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn.

Hầu hết các quảng cáo của Google được hiển thị trong các kết quả tìm kiếm.

Với lệnh cấm trên, người sử dụng khi tìm kiếm các từ như "các khoản vay" hay "vay tiền ở đâu" sẽ không còn thấy các quảng cáo của các nhà cung cấp khoản vay nóng lãi suất cao trong các kết quả tìm kiếm.

Các nhà cung cấp các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao từ lâu đã là đối tượng chỉ trích của các chính trị gia và những người bảo vệ khách hàng, khi lãi suất mà khách hàng phải chịu là quá cao, trong khi họ là thường là người nghèo.

Các khoản vay như vậy thường được sử dụng để đáp ứng nhu cầu tài chính khẩn cấp hay trang trải cho cuộc sống trước kỳ lương tới.

Nhưng với nhiều khách hàng, việc thanh toán các khoản vay ngắn hạn là khó khăn, khiến cho vòng nợ nần có thể kéo dài nhiều tháng.

Theo một nghiên cứu năm 2012 của trung tâm nghiên cứu Pew, người đi vay nợ trong năm tháng, mất 520 USD tiền phí và lãi suất cho việc vay lại 375 USD và lãi suất năm là 391%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục