Gói phục hồi kinh tế của EU: Cho vay để ngăn chặn sự chia rẽ Bắc-Nam?

Gói cứu trợ sẽ được EU phân phối giữa các quốc gia và các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, với 390 tỷ euro là khoản trợ cấp không hoàn lại và 360 tỷ euro là tiền vay có hoàn trả.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau các cuộc đàm phán diễn ra hơn 90 giờ, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/7 cuối cùng đã đạt được thỏa thuận đột phá về gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro để khởi động lại nền kinh tế liên minh.

Gói cứu trợ sẽ được EU phân phối giữa các quốc gia và các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với 390 tỷ euro là khoản trợ cấp không hoàn lại, và 360 tỷ euro là tiền vay có hoàn trả.

[Bất đồng trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của EU]

Chia sẻ cảm nhận về thỏa thuận lịch sử này, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã không kiềm chế được thái độ hân hoan của mình. Ông kiêu hãnh nói rằng gói giải cứu chưa từng có của châu Âu này “sẽ làm thay đổi bộ mặt của Italy” - một trong những quốc gia đang gặp nhiều thách thức về kinh tế nhất châu lục.

Trong khi đó, ngay cả những người ở trong nước chỉ trích ông Conte mạnh mẽ nhất cũng thấy rằng khó có thể bác bỏ thỏa thuận của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) để tạo ra một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro.

Cơn địa chấn về chính trị

Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu “Những người anh em Italy”, người đã kịch liệt phê phán phản ứng ban đầu của ông Conte và EU đối với cuộc khủng hoảng, đã gần như có lời khen ngợi: “Tôi muốn nói rằng ông Conte đã hoàn thành nhiệm vụ (các cuộc đàm phán) trên đôi chân của mình,” bà Giorgia Meloni thừa nhận trước khi nhanh chóng nói thêm rằng “ông có thể đã và nên làm tốt hơn nữa.”

Trong khi đó, lãnh đạo Liên đoàn gồm những người thành kiến với châu Âu như Matteo Salvini, người năm ngoái đã hy vọng thay thế ông Conte làm Thủ tướng, đã buộc phải chấp nhận rằng “nếu có điều gì đó tốt cho Italy thì tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc.”

Đối với một đất nước đã dành phần lớn năm tháng qua để vật lộn với một thảm kịch quốc gia, sự lạc quan bùng nổ là điều dễ hiểu. Đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong thời hiện đại và choáng váng với việc hơn 35.000 người thiệt mạng do COVID-19, dân chúng Italy cảm thấy bị phản bội với những phản ứng do dự ban đầu của EU trước cuộc khủng hoảng.

Đồng euro tại Lille, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Và cơn địa chấn về chính trị đã đến. 27 quốc gia thành viên EU quyết định cho phép Ủy ban châu Âu thực hiện việc vay mượn quy mô lớn lần đầu tiên trong lịch sử của mình và chi 390 tỷ euro trong số tiền vay được đó làm trợ cấp không hoàn trả cho các quốc gia thành viên.

Gói cứu trợ này phản ánh nhận thức của các nhà lãnh đạo EU, do Thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn đầu, rằng nếu họ không hành động táo bạo, sự chia rẽ về kinh tế trong khu vực đồng euro có thể trở nên không thể đảo ngược, qua đó đe dọa khả năng tồn tại của đồng euro trong khi nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy và sự bất mãn của công chúng đối với EU trên khắp khu vực Nam Âu.

Pascal Lamy, cựu lãnh đạo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và từng là lãnh đạo Nội các cho ông Jacques Delors khi ông này giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhận định: “Về mặt lịch sử, biểu tượng và chính trị, đây là một bước tiến lớn của Liên minh châu Âu. Bước tiến này sẽ cung cấp cho khu vực bầu cử ủng hộ châu Âu ở Italy và các quốc gia khác rất nhiều lý lẽ để chống lại những lời chỉ trích - với điều kiện là trong thời gian hai hoặc ba năm, các cử tri thực sự nhìn thấy màu sắc của những đồng tiền của EU.”

Italy sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ chương trình Thế hệ tiếp theo của EU, theo đó các quốc gia thành viên đồng ý cho phép Ủy ban châu Âu vay 750 tỷ euro.

Ủy ban châu Âu đã không công bố chi tiết về cách thức dự kiến phân phối số tiền này, một phần vì gần 1/3 quỹ tài trợ này sẽ được quyết định bởi dữ liệu kinh tế năm 2020 và 2021.

Mặc dù vậy, các quốc gia thành viên cũng đã đưa ra những dự báo riêng của mình. Một số tính toán cho thấy Italy có thể được nhận khoản tài trợ khoảng 65,5 tỷ euro từ Phương tiện Phục hồi và Tái thiết (RRF), khiến nước này trở thành người thụ hưởng lớn nhất.

Tiếp theo là Tây Ban Nha có thể nhận được 59 tỷ euro và Pháp với 37,4 tỷ euro. Sau khi cộng thêm vào các khoản ước tính có thể được nhận từ gói tài trợ lớn hơn, ông Conte dự kiến sẽ được nhận số tiền lên tới 80 tỷ euro.

Số tiền này sẽ được trao trong nhiều năm và Italy sẽ chịu một phần gánh nặng trả nợ với thời gian thanh toán kéo dài đến tận năm 2058. Song, các nhà phân tích vẫn xem gói cứu trợ này có ý nghĩa quan trọng đối với một quốc gia được Ủy ban châu Âu dự báo sẽ phải đối mặt với việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm đến trên 11% trong năm nay.

Loredana Federico, nhà kinh tế trưởng người Italy của UniCredit Research, cho biết: “Còn chưa rõ chi tiết về việc khi nào tiền sẽ đổ vào nền kinh tế, song tôi hy vọng tác động kinh tế tích cực nhất sẽ đến vào năm 2022 và 2023.”

Vị trí của ông Conte dường như được củng cố đáng kể nhờ gói cứu trợ này. Theo kết quả một cuộc thăm dò vừa được La Repubblica công bố đầu tuần, ông Conte được xếp là Thủ tướng tốt nhất của Italy kể từ năm 1994.

Du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Venice, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, việc đồng ý với gói cứu trợ ở cấp lãnh đạo của EU là một vấn đề, việc kế hoạch này kết thúc thành công hay không là một vấn đề khác. Theo ông Zsolt Darvas thuộc trung tâm nghiên cứu Bruegel, Italy là một trong số những nước có hồ sơ xấu nhất châu Âu khi nói đến việc nhanh chóng tiêu tốn các quỹ của EU.

Hãy xem thành phố L’Aquila, ở khu vực miền Trung Abruzzo của Italy. Du khách ngay lập tức nhận thấy những dấu vết đổ nát vẫn còn ở thành phố này sau trận động đất năm 2009 làm hơn 300 người chết và khiến hơn 50.000 người tạm thời mất nhà cửa.

Sau trận động đất đó, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cho biết, ông muốn việc xây dựng lại sẽ hoàn thành trong sáu tháng. Sau đó 7 năm, đến lượt ông Matteo Renzi cam kết rằng mọi thị trấn trong khu vực sẽ được khôi phục lại trạng thái ban đầu.

Tuy nhiên, 11 năm đã trôi qua và phần lớn trung tâm lịch sử của thành phố này vẫn điêu tàn với giàn giáo xây dựng quanh các tòa nhà trống rỗng như một phần của nỗ lực tái thiết được chi trả một phần bằng các nguồn tài trợ từ Ủy ban châu Âu.

Thời gian đã mất để tái thiết và thành phố này đã trở thành biểu tượng cho những khó khăn mà Italy gặp phải khi sử dụng các quỹ cứu trợ.

Có thể nói, sự quan liêu và thận trọng trước tham nhũng đã khiến tiến độ vô cùng chậm chạp. L’Aquila, giống như phần còn lại của Italy, hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới khi đất nước này phải gánh chịu các hậu quả về kinh tế của việc bùng phát dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Italy cũng sẽ chiến đấu chống lại nhận thức rằng họ đã nhiều lần thất bại trong việc thực hiện những cải cách đã cam kết với các đối tác EU và Ủy ban châu Âu, để lại cho nước này một kỷ lục tăng trưởng kém cỏi và tỷ lệ thất nghiệp vượt trên ngưỡng 10% trong suốt thập kỷ qua.

“Phép thử” cho sự thống nhất mới được thiết lập

Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, các quốc gia sẽ đưa ra các chiến lược theo đó họ xoay chuyển các nền kinh tế của mình. Dù vậy, điều này ngụ ý rằng Rome sẽ thực sự làm theo các cam kết của mình dù các quốc gia thành viên Bắc Âu vẫn đang hoài nghi.

Hồi tháng Tư, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bị gây khó dễ bởi một tài xế lái xe tải chở chất thải, người đã yêu cầu ông không được đưa tiền cho Tây Ban Nha và Italy. Đây là cuộc gặp gỡ nhấn mạnh sự phản đối của một số cử tri Hà Lan đối với việc chuyển tiền thuế của người dân ra khắp EU. Cảnh quay cho thấy ông Rutte giơ ngón tay cái lên với người tài xế và nói rằng “không, không, không.”

Sau Hội nghị thượng đỉnh, ông Rutte nói rằng ông sẽ nói với người đàn ông đó rằng Hà Lan đã đạt được sự đảm bảo từ Italy rằng quốc gia này sẽ bắt tay vào con đường cải cách đầy khó khăn.

Ông Rutte khẳng định hội nghị thượng đỉnh đã nhất trí với một cái được gọi là “phanh khẩn cấp,” cho phép một quốc gia có thể ngăn chặn các khoản chi từ quỹ phục hồi để đảm bảo các chính phủ “thực sự giúp nhau tuân thủ đúng với những lời hứa cải cách của mình.”

Tại Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ đang dựa vào cơ chế tương tự để ngăn chặn Madrid từ bỏ các cam kết cải cách của mình. Tây Ban Nha dự kiến sẽ chịu sự sụt giảm kinh tế lớn thứ hai tại EU, sau Italy, trong năm nay, một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch rất lớn của nước này.

Thủ tướng theo đường lối xã hội chủ nghĩa Pedro Sánchez là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho gói phục hồi rất lớn này, với nguồn tiền có được từ hoạt động vay nợ chung của EU. Được khuyến khích bởi đối tác liên minh non trẻ của mình là đảng cực tả Podemos, ông Pedro Sánchez đã chiến đấu chống lại các điều kiện chặt chẽ về chi tiêu.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Tây Ban Nha hiện hoan nghênh khả năng EU gây sức ép buộc chính phủ cải cách hệ thống lương hưu tốn kém của nước này và ngăn chặn các kế hoạch nhằm đảo ngược những cải cách về lao động năm 2012, những cải cách giúp việc sa thải người lao động trở nên ít tốn kém hơn. Đảo ngược cải cách này là mục tiêu chính của đảng cực tả Podemos.

John de Zulueta, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tây Ban Nha, gọi quỹ 750 tỷ euro là “tin tức lớn nhất kể từ khi thành lập đồng euro,” nhưng ông dành lời khen ngợi mạnh mẽ nhất cho điều kiện “hợp lý” đối với các khoản tài trợ và cho vay, những khoản mà ông nói là cần được chi cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Tây Ban Nha.

Mặc dù vậy, khả năng tuân thủ của Madrid lại là điều mà nhiều người đặt dấu hỏi. Félix Eguía, người có công ty đang thuê trên 500 lao động, đặt vấn đề một cách thẳng thắn: “Tôi muốn cảm ơn các thành viên của EU vì sự hào phóng của họ, nhưng tôi muốn hỏi một điều khác: Hãy chắc chắn rằng Tây Ban Nha tuân thủ!”

Thật vậy, việc làm thế nào để giám sát một cách hiệu quả những cải cách ở cấp độ EU vẫn cần được xem xét. Việc tận dụng các cơ hội do gói phục hồi này mang lại sẽ đặt ra một bài kiểm tra định tính không chỉ đối với các quốc gia thành viên, mà còn đối với chính Ủy ban châu Âu.

Ông Lamy chỉ ra rằng các quan chức tại Brussels sẽ phải giám sát và phân bổ nguồn tài chính lớn gấp 5 lần tổng số tiền mà họ thường phân bổ trong một năm. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng hành chính rất lớn.

Ông nói: “Thành công hay không sẽ phụ thuộc vào năng lực của hệ thống - Ủy ban và các quốc gia thành viên - để thực hiện việc này. Đây là một thách thức lớn, và việc xử lý như thế nào sẽ quyết định liệu bước đi tiến tới sự hội nhập này có kết thúc với việc giành được sự ủng hộ của dư luận hay không”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục