Hành trình 7 ngày về thăm Thành phố Hồ Chí Minh của 70 cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu thuộc Vùng 2, 3, 4, 5 thuộc Quân chủng Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã khép lại vào ngày 6/12.
Đây là món quà đầy ý nghĩa dành cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như những người lính biển do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các sở, ban, ngành Thành phố tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12). Trong hành trình ấy, có những câu chuyện về người lính biển mãi in sâu trong tâm trí của người dân thành phố.
Câu chuyện người lính biển
Dáng người cao ráo, chững chạc với nước da rám nắng, không ai nghĩ cậu bé ham chơi Nguyễn Thái An, sinh năm 1994, quê ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã trưởng thành lên rất nhiều sau một năm làm nghĩa vụ quân sự ở đảo Sinh Tồn Đông thuộc Lữ đoàn 146, Đoàn Trường Sa Anh hùng. Nghe bạn rủ rê, học hết lớp 10, An nghỉ ngang và chuyển qua học nghề để không bị gia đình quản lý. Hai năm sau, An trở lại học bổ túc lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1.
Trong thời gian đi học và tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên, chương trình tuyên truyền về biển đảo, người lính hải quân đã dấy lên trong An một niềm tin, yêu người lính biển. Khi biết tin quận 1 có chỉ tiêu tuyển lính hải quân, An nhận thấy cơ hội của mình đã đến nên quyết định tham gia nghĩa vụ quân sự và đăng ký vào lực lượng hải quân.
Binh nhất Nguyễn Thái An chia sẻ: "Trước khi ra đảo, em nghĩ cuộc sống ngoài đó sẽ rất khó khăn, gian khổ, nhưng khi ra công tác, suy nghĩ đó đã thay đổi. Từ năm 2012 trở về trước, tuy tàu hậu cần chỉ có 2 chuyến/năm, điều kiện thông tin liên lạc, nước sinh hoạt không đảm bảo, thường 2-3 năm mới được vào đất liền nhưng các anh vẫn sống vui vẻ và vững chắc tay súng. Chính những điều đó làm em không còn thấy sợ nữa.
Cuộc sống nơi đảo xa đã giúp An có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. An dự định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ ôn lại kiến thức Trung học phổ thông, học Anh văn và tìm việc làm phù hợp để tự trang trải cho mình.
Trong số các cán bộ, chiến sỹ về thăm thành phố lần này, có nhiều người đã dũng cảm, mưu trí chiến đấu trong sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng kinh tế đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là Đại úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 4033 thuộc Vùng 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Tàu của anh là một trong những tàu nhận nhiệm vụ ngăn chặn việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Ngày 3/5 vừa qua, trong lúc làm nhiệm vụ, tàu của anh bị tàu Trung Quốc đã đâm làm rách tàu và hư hỏng một số thiết bị. Trong những giây phút cam go nhất, người thuyền trưởng trẻ vẫn động viên anh em trên tàu xử lý tốt mọi tình huống. Anh đã được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm.”
Mới đây, anh được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu trong toàn quân năm 2014 được Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam vinh danh và đang tiếp tục được đề cử là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2014.
Đại úy Lê Trung Thành khiêm tốn chia sẻ: “Khi được đón nhận bằng khen hay danh hiệu nào đó, tôi thấy vinh dự này thuộc về cả tập thể cán bộ, chiến sỹ chứ không riêng mình và thấy mình càng có trách nhiệm hơn đối với Tổ quốc.”
Thăm cảng Nhà Rồng, Hội trường Thống Nhất, xuống hầm khám phá địa đạo Củ Chi khói lửa cho đến giao lưu với lực lượng thanh niên, phụ nữ, công nhân Khu công nghiệp Tân Thuận… đã đem lại những trải nghiệm thú vị, khó quên về các di tích, văn hóa và sự nồng ấm của người dân thành phố trong tâm trí những người lính biển.
Đánh giá về chương trình giao lưu lần này, anh Lê Tuấn Anh, Chi đội phó Chi đội Kiểm ngư số 3 thuộc Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Những ngày qua, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự tiếp đón chu đáo và nồng ấm của nhân dân, các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo các cấp Thành phố Hồ Chí Minh. Những kỷ niệm đẹp của chuyến thăm này là động lực để chúng tôi phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.
Nồng ấm nơi hậu phương
Để gìn giữ sự yên bình của đất nước, biết bao người lính đang phải công tác nơi biên giới xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió. Tiếp thêm sức mạnh cho họ là những người cha, mẹ, vợ và con cái đã hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư, động viên những người lính yên tâm công tác. Đó là câu chuyện của Thượng úy Trương Xuân Thắng, Chính trị viên của Nhà giàn DK1. Khi anh nhận nhiệm vụ công tác cũng là lúc vợ anh - chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa (quận Gò Vấp) mới mang thai gần 3 tháng.
Và giờ, sau hơn một năm mới trở về đất liền theo đoàn giao lưu, anh Thắng mới có cơ hội về thăm vợ và gặp đứa con gái đầu lòng bé bỏng của mình. Sau chuyến về thăm thành phố này, anh Thắng lại ra biển ngay để làm nhiệm vụ. Gặp lại vợ con, hạnh phúc như vỡ òa.
Chị Mỹ Hòa tâm sự, anh chị quen và yêu nhau khoảng 18 tháng rồi kết hôn, thế nhưng trong khoảng thời gian đó, anh ra đảo công tác mất gần 1 năm rồi. Bản thân chị là một y sỹ công tác ở Bệnh viện Quân đoàn 4 cũng thấu hiểu những khó khăn trong công việc của anh nên khi yêu nhau, chị đã xác định tư tưởng rằng anh sẽ ít khi ở bên cạnh chị.
Một mình nuôi con nhỏ, gánh vác công việc gia đình nhưng với tình yêu của mình, chị đã trở thành hậu phương vững chắc cho anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ trên đảo. Cô con gái xinh xắn được anh Thắng đặt tên là Hải Mai, với ý nghĩa biển vào buổi sáng, biển lúc nào cũng yên bình như buổi sáng mai, không có sóng gió và không có ngoại bang xâm lược. Với những người thường xuyên công tác trên biển, đảo như anh mới hiểu hết sự yên bình khi bình minh lên đáng quý biết bao.
Không chỉ có sự động viên từ gia đình, những người lính biển luôn nhận được sự quan tâm, cổ vũ tinh thần của đồng bào trong và ngoài nước. Trong những ngày về thăm Thành phố Hồ Chí Minh, đi đến đâu, các cán bộ, chiến sỹ cũng nhận được sự quan tâm, tình cảm nồng ấm của người dân.
Tại buổi giao lưu với cán bộ, công nhân viên chức thành phố, chị Hồ Bích Ngọc ở quận 1 chia sẻ, chị chỉ được biết Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 qua báo đài nên rất vinh dự được tham dự giao lưu lần này với các cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ bảo về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
“Tôi muốn gửi lời chúc tất cả các chiến sỹ thật nhiều sức khỏe để luôn giữ vững tay súng, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hậu phương chúng tôi lúc nào cũng hướng về biển đảo, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công việc chuyên môn của mình, qua đó góp phần phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước nói chung, cùng các anh gìn giữ đất nước,” chị Ngọc nhắn nhủ.
Trong thời gian qua, cùng với nhân dân cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên và hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người lính biển. Đặc biệt, việc thành lập Quỹ Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố từ năm 2009 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố và kiều bào.
Từ số tiền vận động được, Ban Quản lý quỹ đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, hỗ trợ trang bị máy lọc nước, túi đựng nước ngọt cho các đảo chìm và Nhà giàn DK1; tặng xuồng CQ cho các đơn vị Hải quân phục vụ cho công tác tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa; tặng xe ôtô cho Trung tâm huấn luyện 456 thuộc Vùng 4 Hải quân…
Thay mặt lãnh đạo thành phố, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Người dân thành phố dù sống ở đất liền nhưng trái tim luôn hướng về biển đảo. Được gặp các anh, người dân thành phố càng khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió.
Bà cũng khẳng định thành phố tiếp tục là hậu phương vững chắc góp sức cùng cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Chia tay thành phố mang tên Bác, trở về đơn vị công tác, những người lính biển sẽ có thêm sức mạnh và vững tâm nắm chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.