Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD mang thay đổi lớn về an sinh XH

Điểm đáng chú ý nhất của gói kích thích kinh tế là khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gia hạn trợ cấp thất nghiệp đến tháng 9 tới.
Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD mang thay đổi lớn về an sinh XH ảnh 1Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đánh dấu sự chuyển đổi lớn trong chính sách an sinh xã hội của nước này, với mục tiêu cắt giảm 50% tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em, khi Quốc hội Mỹ ngày 10/3 thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do ông đề xuất.

Theo bà Olivia Golden, Giám đốc điều hành Trung tâm luật pháp và chính sách xã hội, gói cứu trợ có tên "Kế hoạch giải cứu Mỹ" thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách xã hội ở Mỹ.

Gói cứu trợ này đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay, theo đó một số chuyên gia kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt tới 7%.

Điểm đáng chú ý nhất của kế hoạch là khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gia hạn trợ cấp thất nghiệp đến tháng 9 tới.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự điều chỉnh về Tín dụng thuế trẻ em (Child Tax Credit) có ý nghĩa hơn cả khi dự luật này mang đến sự thay đổi lớn có lợi cho các gia đình thu nhập thấp.

Trung tâm ngân sách và ưu tiên chính sách - một tổ chức nghiên cứu độc lập - cho rằng sự cải tổ ở mục này sẽ giúp toàn bộ trẻ em nước Mỹ, trừ những trẻ trong các gia đình có mức thu nhập cao nhất, được hưởng tín dụng.

Luật của Mỹ hiện nay quy định gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi được hưởng mức tín dụng 3.600 USD/trẻ và mức này đối với gia đình có trẻ từ 6 đến 17 tuổi là 3.000 USD/trẻ. Mức áp dụng trước đây là 2.000 USD.

[Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD tiếp sức cho nền kinh tế đầu tàu thế giới]

Giáo sư Zachary Parolin thuộc Trung tâm chính sách xã hội và nghèo đói, Đại học Columbia, nhận định nếu được triển khai đầy đủ trong năm nay, gói kích thích kinh tế của Tổng thống Biden có thể giúp giảm hơn 50% tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em.

Bà Golden cho rằng nhiệm vụ tiếp theo trong việc cải thiện chính sách an sinh xã hội Mỹ là "bổ sung những điều quan trọng còn thiếu, như nghỉ phép có lương."

Trong khi đó, Giáo sư Bradley Hardy thuộc Đại học American cho rằng chính phủ cần coi các biện pháp là sự đầu tư cho tương lai. Ông chỉ rõ có bằng chứng khoa học xã hội cho thấy trẻ được tiếp cận các nguồn lực kinh tế trong thời thơ ấu sẽ tạo được nhiều thành quả về kinh tế xã hội trong dài hạn.

Ông Hardy viện dẫn chính sách được triển khai tại Anh dưới thời Thủ tướng Tony Blair. Theo đó, hơn 20 năm trước đây, Thủ tướng Anh khi đó là ông Tony Blair đã đưa ra một kế hoạch tham vọng chống nghèo đói ở trẻ em tại Anh vào thời điểm nước này ghi nhận 25% trẻ em sống trong nghèo đói.

Một nghiên cứu của Đại học Columbia và Trường Kinh tế London cho thấy chiến dịch này, trong đó kết hợp chính sách tín dụng thuế, hỗ trợ thu nhập và các chương trình của chính phủ, đã giúp giảm hơn một nửa tỷ lệ trẻ em nghèo tại Anh trong vòng một thập kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục