Gói hỗ trợ khẩn cấp 75 tỷ euro của ECB có trấn an được châu Âu?

Thông qua gói cứu trợ khẩn cấp, ECB cho phép việc mua trái phiếu chính phủ Hy Lạp thông qua miễn nợ lần đầu tiên kể từ khi nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nợ.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền tây nước Đức, ngày 12/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền tây nước Đức, ngày 12/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Financial Times, The Telegraph đưa tin, để khởi động chương trình mua tài sản tạm thời đối với trái phiếu khu vực công và tư nhằm ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng đối với cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng Khu vực đồng euro (Eurozone) do dịch COVID-19, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông qua Chương trình mua khẩn cấp trong dịch bệnh (PEPP) mới, với tổng trị giá lên đến 750 tỷ euro.

Quyết định mua trái phiếu khẩn cấp trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020 này được ECB có trụ sở tại Frankfurt (Đức) công bố trong cuộc họp bất thường tối ngày 18/3.

Việc mua trái phiếu sẽ được tiến hành cho tới cuối năm 2020 và sẽ bao gồm tất cả các hạng mục tài sản phù hợp theo Chương trình mua tài sản (APP) hiện nay.

Việc mua trái phiếu theo PEPP sẽ được thực hiện linh hoạt, cho phép biến động trong phân phối dòng mua theo thời gian, giữa các loại tài sản và giữa thẩm quyền các nước.

ECB sẽ ngừng thu mua tài sản ròng theo PEPP khi qua giai đoạn khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân trong Eurozone vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời sẽ đảm bảo để mọi thành phần (dù là các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm cú sốc do dịch COVID-19 gây ra.

Các thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực trước động thái trấn an của ECB trong phiên giao dịch sớm ngày 19/3 ở châu Á.

"Khoảng thời gian bất thường đòi hỏi phải có hành động phi thường," Chủ tịch của ECB Christine Lagarde đã chia sẻ trên Twitter sau khi các biện pháp khẩn cấp được công bố.

Nhận định về hướng đi của ECB, Gilles Moec, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm đa quốc gia của Pháp Axa cho biết, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã theo chân Mỹ, giờ đây cả hai nhánh công cụ tiền tệ và tài chính của nền tảng chính sách kinh tế đều đang tạo ra một lực đẩy lớn.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gửi thông điệp ủng hộ quyết định của ECB trên Twitter.

Ông cho rằng đã đến lúc các chính phủ Eurozone phải hành động mạnh mẽ hơn về mặt tài chính bởi đây là điều mà người dân và nền kinh tế cần.

Thông qua gói cứu trợ khẩn cấp, ECB cho phép việc mua trái phiếu chính phủ Hy Lạp thông qua miễn nợ lần đầu tiên kể từ khi nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nợ.

Ngoài ra, còn một lựa chọn khác đó là ECB có thể dỡ bỏ hạn chế không mua quá 1/3 trái phiếu chính phủ của bất kỳ một nước nào mà sẽ mua dựa trên mức đầu tư vốn của mỗi nước.

Tuy nhiên, gợi ý này vẫn đang được ECB cân nhắc.

Melvyn Krauss, một thành viên cao cấp tại Đại học Stanford, Viện Hoo Hoo, cho rằng ECB sẽ cần phải điều chỉnh một số giới hạn đã được áp đặt nếu những giới hạn này cản trở quá trình hành động của ngân hàng trung ương. Theo đó, cách duy nhất để ECB làm dịu thị trường trái phiếu châu Âu và giành được niềm tin từ các thị trường đó là nới lỏng những ràng buộc của mình.

Quyết định "mở ví" của ECB được công bố sau khi ngân hàng này tung ra chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ euro, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên đến 1.000 tỷ euro trong vòng 9 tháng tới.

Gói hỗ trợ khẩn cấp 75 tỷ euro của ECB có trấn an được châu Âu? ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde (thứ 2, trái) tại phiên họp của Ủy ban các vấn đề tiền tệ và kinh tế Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 2/12/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra, ECB cũng tăng cường cho vay giá rẻ đối với các ngân hàng và cấp cho họ nhiều hình thức cứu trợ vốn khác nhau.

[Dịch COVID-19 để lộ mối liên kết ''không chắc chắn'' trong EU]

Tuy nhiên, động thái này chưa thật sự mang lại hiệu quả bởi nhiều quốc gia Eurozone đã áp đặt biện pháp phong tỏa đối với cư dân để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, qua đó buộc các cửa hàng phải đóng cửa, trong khi hoạt động tiêu dùng bị đình trệ.

Trước đó, ngày 15/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tuần để giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan trên toàn nước Mỹ. Theo đó, Fed đã giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%.

Thông báo của Fed cho hay tác động của dịch COVID-19 sẽ "ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế."

Trước những diễn biến này, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu.

Thông báo cũng cho hay FOMC hy vọng sẽ duy trì phạm vi mục tiêu trên đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế đã vượt qua được các diễn biến gần đây và trên đà đạt được mục tiêu ổn định việc làm và giá cả tối đa.

Cùng với đó, Fed cũng đang thực hiện nhiều biện pháp khác, như việc giảm hạn mức tín dụng chéo (đối với các khoản vay bằng đồng USD) dành cho các ngân hàng trung ương nước ngoài tại những nền kinh tế giàu có.

Ngoài ra, việc thể chế này cho kích hoạt lại một số cơ sở cho vay từ thời khủng hoảng cũng đã ít nhiều giúp cho thị trường dầu mỏ Mỹ không sụp đổ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng ngân hàng trung ương nước Mỹ vẫn cần làm nhiều hơn thế, ví dụ như việc cắt giảm hạn mức tín dụng chéo có thể được mở rộng với những nền kinh tế kém phát triển hơn.

Đối với những thị trường mới nổi, vốn gặp phải tình trạng thiếu vốn đáng kể, cần có sự phối kết hợp hiệu quả giữa các hoạt động kinh tế và chính trị.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đang phụ thuộc nhiều vào thị trường tư nhân, đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng năm 2008 đã chứng kiến sự lên ngôi của nhóm các thể chế có quy định được nới lỏng hơn, ví dụ các quỹ dự phòng, hơn là những ngân hàng truyền thống với những bộ quy định chặt chẽ.

Các chuyên gia cho rằng một mô hình mà Fed có thể học hỏi đó là chính sách "kiểm soát đường cong lãi suất" mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã đi tiên phong.

Với chính sách này, Fed có thể nhắm đến nhóm trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thông qua cam kết mua hoặc bán trái phiếu với số lượng đủ để đạt được một tỷ lệ nhất định.

Quá khứ đã chỉ ra rằng Fed cần có khả năng can thiệp nhanh chóng, với quy mô cần thiết để giữ cho thị trường hoạt động.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Fed cần sự hỗ trợ và "bật đèn xanh" từ phía Bộ Tài chính Mỹ. Điều được khích lệ là cho đến nay dường như thể chế tài chính này vẫn đang được chủ động làm những điều mà mình cho là cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục