Gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp: Cần phải đến đúng đối tượng

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tung ra gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng, tương ứng dư nợ lên tới 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp kiệt quệ bởi đại dịch COVID-19.
Gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp: Cần phải đến đúng đối tượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Dịch bệnh leo thang, nền kinh tế đình trệ, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Cứu doanh nghiệp bằng cách cấp “oxy tín dụng” là biện pháp đang được cân nhắc hàng đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với gói hỗ trợ lãi suất, quan trọng nhất là vốn phải đúng và trúng.

Sẽ có gói tín dụng dư nợ 100.000 tỷ đồng

Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng Mười các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000-65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

[Hậu COVID-19: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi sau dịch]

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng so với dư nợ tín dụng hiện nay của nền kinh tế khoảng gần 10 triệu tỷ đồng, con số trên chỉ chiếm khoảng 1%, chưa thấm gì so với khó khăn của doanh nghiệp sau 4 đợt dịch. Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần xem xét tăng quy mô gói hỗ trợ này, tất nhiên đi kèm với các giải pháp kiểm soát lạm phát để giữ được ổn định vĩ mô.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 là 56%, thặng dư ngân sách nhà nước 83.000 tỷ đồng, lạm phát khoảng 3,1%, dự trữ ngoại hối trên 3 con số. Điều này cho thấy Chính phủ có nguồn lực để có thể tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo ông Kỳ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dòng tiền như ôxy đối với doanh nghiệp nên gói hỗ trợ cũng cần phải mở rộng quy mô và ban hành sớm.

Ông Kỳ dẫn chứng Vietravel có 1.700 nhân viên, song có những thời điểm tại công ty chỉ có từ 15-20 người làm việc để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất. Doanh thu của Vietravel khi trước dịch khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng/năm, đến giờ này sau 3 tháng hoạt động doanh thu chỉ đạt được chưa đến 10%. Vietravel trở lại 13-14 năm trước. Tương tự như Vietravel, tất cả các công ty du lịch, lữ hành đều bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp hàng không, trung bình chi phí bình quân ngày trong 6 tháng đầu năm nay của Vietnam Airlines đã giảm còn bằng 1/4, Vietjet giảm còn bằng 1/5 lần so với chi phí bình quân năm 2019, nhưng số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng đã lên tới con số "khổng lồ." Cụ thể, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo hiện đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt hàng chục ngàn tỷ đồng.   

Tiến sỹ Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu trung và dài hạn, hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, bảo toàn được nguồn vốn và hỗ trợ việc thanh khoản. Về chính sách nguồn vốn, nên xem xét cho các hãng hàng không khác được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines. Mục đích là nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản tốt hơn.

Gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp: Cần phải đến đúng đối tượng ảnh 2Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Đối với việc gỡ vốn cho các hãng hàng không, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết nếu không có gì thay đổi, dự kiến ngày 28/9 sẽ có buổi làm việc bàn về "Gói tín dụng cho ngành hàng không" giữa Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hàng không.

Đừng như muối bỏ biển

Từ bài học của gói cấp bù lãi suất 4%/năm trong 2009, các chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải tính toán cẩn trọng hợp lý.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho biết năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù chính sách đó cũng có tác dụng nhất định, nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ khi mà sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Vì vậy theo ông, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện.  

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thì quy mô gói hỗ trợ như dự kiến là quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Vì thế, ông cho rằng cần phải tăng quy mô gói hỗ trợ lớn hơn.

Tuy nhiên, để bớt nặng nề cho ngân sách, ông Nghĩa gợi ý, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, đó là ngân hàng trung ương cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách.

Cụ thể, theo ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung. "Chẳng hạn, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm, cộng với gói kích thích lãi suất này, khoảng 2%-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%. Còn Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương," ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện Chính phủ và Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ, mặc dù có nhiều ngân hàng đã điều chình giảm đến ba lần lãi suất từ năm ngoái đến nay. Vì vậy, gói "cấp cứu" bằng bù lãi suất phải tạo ra một dấu ấn riêng.

"Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu hiện nay. Diễn biến dịch COVID-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới nên cần gói hỗ trợ lớn, tạo sức bật cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh. Nên tôi cho rằng Chính phủ cần thiết kế một gói hỗ trợ lớn để nó thực sự tạo ra khác biệt, chứ đừng như muối bỏ biển," ông Nghĩa nhấn mạnh.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay rút kinh nghiệm lần trước, tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán tới 2 mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Vì vậy, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình để triển khai gói hỗ trợ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục