Gói 62.000 tỷ đồng: Bộ trưởng đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng

Liên quan đến gói 62.000 tỷ đồng, các địa phương đã giải ngân hơn 11.267 tỷ đồng hỗ trợ cho 11.015.041 người và 6.196 hộ kinh doanh tập trung vào lao động mất việc...
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sau dịch COVID-19. (Ảnh: Vietnam+)

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về gói an sinh xã hội, tại cuộc họp Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết việc triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng thụ hưởng.

Đề nghị giáo viên các trường tư thục được thụ hưởng

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến 30/6 các địa phương đã phê duyệt danh sách người hỗ trợ là 15,8 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỷ đồng.

[Nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng]

Số liệu của Kho bạc Nhà nước cũng cho thấy các địa phương đã giải ngân hơn 11.267 tỷ đồng hỗ trợ cho 11.015.041 người và 6.196 hộ kinh doanh tập trung vào lao động bị tạm hoãn hợp đồng, lao động mất việc, lao động tự do cùng với lao động yếu thế, người có công…

Bộ trưởng thông tin, tính đến 30/6 có 1.591 đơn vị sử dụng lao động được thực hiện chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất với 138.062 người, kinh phí xấp xỉ 500 tỷ đồng, đã duyệt chi 6.374 tỷ đồng cho người lao động và 250.000 người bán vé xổ số lưu động được hỗ trợ tiền trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Về tổng thể cho thấy cơ bản các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đã được địa phương phê duyệt và hỗ trợ, nhất là các đối tượng nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, người mất việc… đặc biệt những người thực sự cần hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và quyết định 15 đều đã được hỗ trợ.

Theo ông, với đối tượng lao động tự do, đối tượng khó khăn nhất cũng được Chính phủ và nhiều địa phương nhất là tại 5 thành phố lớn rất quan tâm.

Đơn cử Thành phố Hồ Chính Minh, lao động tự do đã hỗ trợ cho 153.000/184.000 người (bằng 85%), trong khi lao động bị tạm hoãn hợp đồng là 36.000/43.000 người, bằng 85%.

Về công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết ngoài tỉnh Thanh Hóa phải dừng toàn bộ hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát lại thì cả nước mới phát hiện 3 thôn, bản có vi phạm và tất cả đều được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

“Nhìn tổng thể cho thấy số tiền lớn, người hưởng thụ quá lớn, đối tượng đa dạng dễ trùng lắp cho đến nay cơ bản chúng ta thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng thụ hưởng,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng do đối tượng đa dạng dễ trùng lắp, một số địa phương do sợ sai nên quá thận trọng dẫn đến chậm phê duyệt và chậm triển khai, do đó giảm đi tính chất và ý nghĩa của gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương do khó khăn về kinh phí nên có đối tượng đã phê duyệt nhưng chưa được hỗ trợ.

Liên quan đến gói 16.000 tỷ đồng do Ngân hàng chính sách triển khai, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết việc thực hiện đang gặp khó khăn do tiếp cận, lý do là đưa tiêu chí quá cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ mở rộng thêm một đối tượng khó khăn nhưng hiện chưa được hỗ trợ đó là giáo viên các trường tư thục, những người này mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ, do vậy cần mở rộng thêm và kinh phí vẫn nằm trong gói 62.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Dung đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh nới nhóm 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay để trả lương. Theo đó, ông đề nghị bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay, bởi khi không có nguồn thu thì doanh nghiệp gần như phá sản, giải thể.

Với nội dung này, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ giao lại cho Bộ lao động, Thương binh và xã hội cùng Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng điều chỉnh tiêu chí này trong thời gian ngắn nhất để tiếp cận, đồng thời kéo dài thời gian cho doanh nghiệp vay đến 31/12/2020 nhằm kích cầu tiêu dùng và kích cầu sản xuất.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý điều chỉnh tiêu chí đối tượng trong gói vay 16.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Phiên họp Chính phủ với địa phương ngày 2/7. (Ảnh: VGP)

Dự báo bức tranh việc làm quý 3 sẽ tốt hơn

Do tác động của dịch COVID-19, thị trường lao động quý 2 diễn biến phức tạp. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung số lao động có việc làm giảm đi, duy trì ở mức 52,1 triệu người, giảm 2,2 triệu so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước 6 tháng là 2,26%, riêng quý 2 là 2,51%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,62%. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm chung trong độ tuổi là 2,58%.

Tuy vậy, đến thời điểm này nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, bức tranh lao động việc làm đã có “gam màu sáng” và phục hồi rất nhanh chóng, khả quan, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu vui khi riêng tháng 6/2020 đã có 120.000 lao động được giải quyết việc làm.

Chỉ riêng lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản đã có 1.400 lao động trở lại làm việc bình thường và dự báo quý 3 chắc chắn sẽ tốt hơn và tươi sáng hơn, dự kiến đạt 55,4 triệu người tương đương đầu quý 1/2020.

“Tín hiệu này hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn, Bộ vừa làm việc với các doanh nghiệp và tập đoàn, số người lao động mất việc sẽ quay lại ở mức trung bình khoảng 40.000-50.000 người và số lao động quay lại thị trường duy trì ở mức 80.000-90.000 người trong tháng,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trong khi đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài quý 2 hầu như không giải quyết được, nhưng dự báo đến đầu tháng 7 và 8 sẽ tăng trở lại vì Việt Nam đã làm việc và thống nhất với một số nước, ước tính sẽ giải quyết được 10-15% lao động việc làm trong quý.

Ngoài ra, một số lĩnh vực dự báo sẽ thu hút thêm nhiều lao động như Thương mại điện tử, lắp ráp linh kiện điện tử dự báo tăng khoảng 31.000 người, một số doanh nghiệp may mặc đã tuyển dụng thêm 3.000 lao động dù thị trường còn khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục