Gói 30.000 tỷ đồng: Giải ngân chậm vì thiếu nguồn cung nhà

Nguyên nhân gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm là do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhiều dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Ngày 21/3, Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) có bản báo cáo khá chi tiết về tình hình thực hiện gói cho vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Bản báo cáo trên khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng đầy đủ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp, thời hạn dài để đáp ứng nhu cầu cho vay chương trình của các ngân hàng."

Theo Vụ Tín dụng, các ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực triển khai cho vay, tiếp cận các dự án của doanh nghiệp, tuy nhiên tốc độ giải ngân phụ thuộc vào tiến độ thi công cũng như khối lượng xây dựng của các dự án.”

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi và kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cho vay như: giảm lãi suất cho vay từ 6%/năm xuống 5%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân giảm chi phí đầu tư, chi lãi vay; phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức các cuộc họp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước tích cực triển khai cho vay, đồng thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh một số nội dung để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình. Cụ thể, hai bên kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm, mở rộng các đối tượng được vay vốn hỗ trợ, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu tham gia chương trình để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở…

Tuy nhiên, Vụ Tín dụng cũng cho rằng đây là chương trình có quy mô lớn và thời hạn dài, chưa có tiền lệ, vì vậy khi triển khai còn gặp một số khó khăn vướng mắc khiến tiến độ chương trình chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu của chương trình nhằm tạo điều kiện để những người thu nhập thấp, trung bình trong xã hội có cơ hội có một chỗ ở phù hợp nhưng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương còn khan hiếm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã đưa ra danh mục 81 dự án được vay vốn theo gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số 81 dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý (ví dụ như thủ tục chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục cấp giấy phép xây dựng…) dẫn đến các ngân hàng không thể ký hợp đồng và giải ngân đối với các dự án này.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ ngành, địa phương kịp thời nắm bắt và xử lý những khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ cho vay đáp ứng kỳ vọng của xã hội.

Về phía các địa phương, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân đủ điều kiện vay mua, thuê, thuê mua nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở./.

Tính đến 15/3, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với 31/12/2013.

Đối với khách hàng cá nhân, cam kết cho vay 3.030 khách hàng cá nhân với số tiền là 1.134 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng đã cam kết giải ngân cho 20 dự án từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là 1.775 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp, trong đó đã giải ngân cho 12 doanh nghiệp (13 dự án) với số tiền là 591 tỷ đồng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục