Góc nhìn mới về nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư quái ác

Một nghiên cứu khoa học của Mỹ cho rằng khoảng 60% các trường hợp mắc ung thư do lỗi phân tách tế bào và phụ thuộc nhiều vào "sự may rủi."
(Nguồn: MedicineNet)

Thay vì di truyền hay các yếu tố môi trường, một nghiên cứu khoa học của Mỹ công bố ngày 23/3 cho rằng khoảng 60% các trường hợp mắc ung thư do lỗi phân tách tế bào và phụ thuộc nhiều vào "sự may rủi."

Phát biểu họp báo, giáo sư Bert Vogelstein của Đại học Johns Hopkins, chủ nhiệm công trình nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Khoa học Mỹ, củng cố lại một nghiên cứu của ông hồi năm 2015 cho rằng những biến dị tự nhiên, không theo quy luật của DNA là nguyên nhân chính gây ra ung thư.

Dựa vào dữ liệu nghiên cứu bệnh dịch và sắp xếp chuỗi DNA tại gần 70 quốc gia (tương đương 4,8 tỷ người), nghiên cứu đánh giá bệnh nhân thuộc 32 nhóm bệnh ung thư và kết luận khoảng 66% số biến dị gây ung thư bắt nguồn từ lỗi trong quá trình phân tách tế bào, chỉ 29% là do ảnh hưởng từ môi trường sống trong khi di truyền chỉ chiếm khoảng 5%.

Theo giáo sư Vogelstein, mỗi lần một tế bào phân tách, quá trình này đều tạo ra một số lỗi gọi là biến dị. Nhìn chung, các biến dị này thường vô hại, nhưng trong một số trường hợp "xui xẻo," chúng xuất hiện ở các gene thúc đẩy hình thành ung thư.

Nhóm nghiên cứu cho biết công trình của họ nhằm tìm lời giải đáp cho hàng triệu trường hợp mắc bệnh ung thư dù người bệnh duy trì một lối sống lành mạnh và tuân thủ mọi biện pháp phòng chống ung thư mà giới khoa học khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nhóm mong muốn nâng cao nhận thức đối với các dạng biến dị gây ung thư để phát triển các phương pháp phát hiện sớm đối với căn bệnh nguy hiểm này.

Hồi đầu năm 2015, nghiên cứu đầu tiên của giáo sư Vogelstein về mối quan hệ giữa biến dị tế bào và bệnh ung thư từng gây tranh cãi dữ dội trong giới khoa học. Những ý kiến chỉ trích cho rằng lập luận như vậy sẽ khiến người dân cho rằng họ không cần phải sống lành mạnh hay bảo vệ bản thân trước các tác nhân có nguy cơ gây ung thư cao.

Theo các chuyên gia Martin Nowak của Đại học Harvard và Bartlomiej Waclaw của Đại học Edinburgh, nghiên cứu mới, mở rộng hơn, lần này sẽ tiếp tục cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, quan trọng hơn, nó cho thấy nhu cầu cần thiết phải tìm hiểu và đánh giá chính xác về căn bệnh ung thư.

Trong khi đó, giáo sư Lawrence Young, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ung thư thuộc Đại học Warwick, khuyên người dân tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa ung thư và duy trì lối sống lành mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục