Góc khuất sau đòn áp thuế mới của ông Trump nhằm vào Trung Quốc

Công ty đánh giá tín dụng Moody cho biết mức thuế mới sẽ đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm tăng trưởng ở Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung euro đang chậm lại.
Container hàng hóa Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, Mỹ, ngày 29/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com/Reuters, hôm 31/7, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải. Đây là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi các cuộc đối thoại bị ngưng trệ hồi tháng 5, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh không thực hiện các cam kết của họ và phá vỡ “thỏa thuận đình chiến” được thông qua trước đó bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán sau cuộc gặp gỡ trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka hồi cuối tháng Sáu.

Cuộc đàm phán ở Thượng Hải, do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của phía Mỹ và Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn của phía Trung Quốc dẫn đầu, đã tạo ra tín hiệu tốt cho thỏa thuận đó.

Tuy nhiên, sự lạc quan, nhẹ nhõm của các nhà quan sát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chưa đầy một ngày sau khi Nhà Trắng gọi các cuộc đàm phán hôm 31/7 là “mang tính xây dựng," ông Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc - thực tế là áp các mức thuế đối với từng đợt xuất khẩu mà Trung Quốc gửi sang Mỹ.

“Cơn mưa bình luận” mới nhất của ông Trump có thể cho thấy những mâu thuẫn. Ông bắt đầu bằng cách nhắc lại đánh giá của Nhà Trắng cho rằng ông Lighthizer và ông Mnuchin đã có “những cuộc đàm phán mang tính xây dựng” ở Trung Quốc, nhưng sau đó, ngay lập tức bắt đầu liệt kê các ví dụ về các thỏa thuận từng bị phá vỡ với Trung Quốc.

Ông Trump viết: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một thỏa thuận với Trung Quốc từ 3 tháng trước, nhưng thật đáng buồn, Trung Quốc đã quyết định đàm phán lại thỏa thuận trước khi ký kết. Gần đây nhất, Trung Quốc đã đồng ý… mua các hàng hóa nông nghiệp của Mỹ với số lượng lớn, nhưng họ lại không làm như lời họ nói. Thêm nữa, người bạn của tôi, ông Tập Cận Bình, nói rằng ông ấy sẽ ngừng bán thuốc giảm đau Fentanyl cho Mỹ - điều này chưa bao giờ xảy ra, và nhiều người Mỹ sẽ tiếp tục chết."

Hàm ý mạnh mẽ trong những bình luận đó chính là Mỹ không thể tin tưởng vào những gì các đại diện của phía Trung Quốc đưa ra trong các cuộc đàm phán.

Sau đó, ông Trump tuyên bố, kể từ ngày 1/9 tới, Mỹ sẽ “áp một mức thuế bổ sung nhỏ, khoảng 10%, đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ."

[Tổng thống Mỹ bảo vệ chính sách thương mại đối với Trung Quốc]

Tổng thống Mỹ cũng từng đe dọa sẽ áp thuế bổ sung hồi tháng 5, khi ông tăng thuế bổ sung lên 25% từ mức 10% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng sau đó đã ngừng áp thuế sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình ở Osaka. Do đó, động thái khôi phục thuế quan hiện làm dấy lên câu hỏi về thỏa thuận đình chiến ngắn ngủi đạt được hôm 29/6 vừa qua.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn không từ bỏ các cuộc đàm phán (mặc dù Trung Quốc rất có thể sẽ đáp trả cuộc tấn công mới nhất này). Trên thực tế, dòng bình luận cuối cùng của ông về chủ đề này đã tạo ra một không khí tích cực không mấy phù hợp: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục đối thoại tích cực với Trung Quốc về một Hiệp định thương mại toàn diện và cảm thấy rằng tương lai giữa hai nước chúng ta sẽ rất tươi sáng!."

Có lẽ ông Trump đang cố gắng hạ thấp những gì nên được hiểu là một trò chơi quyền lực để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn. Ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ không dễ được xoa dịu bằng những suy nghĩ tích cực của ông Trump, hoặc sự an ủi rằng mức thuế quan mới chỉ rất “nhỏ bé."

Thay vào đó, điều này sẽ được xem như là một sự phản bội quan điểm đồng thuận mà ông Trump đạt được với ông Tập Cận Bình - và từ quan điểm của Trung Quốc, đây giống như một số ví dụ trước đó về việc ông Trump bất ngờ rút khỏi cuộc đàm phán ngay cả khi các cuộc đàm phán dường như đang tiến triển.

Ngày 31/7, Mỹ và Trung Quốc đã ấn định vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Mỹ vào tháng 9 tới. Trên thực tế, theo Tân Hoa xã, trước khi ông Trump thông báo trên Twitter, Bộ Thương mại Trung Quốc đã nói với báo giới rằng các nhóm đàm phán của Trung Quốc và Mỹ sẽ duy trì sự liên lạc chặt chẽ và tăng cường tham vấn thương mại ở cấp độ làm việc vào tháng 8 để chuẩn bị cho cuộc họp của các nhà đàm phán thương mại từ cả hai bên diễn ra vào tháng 9/2019.

Hiện giờ, xuất hiện một câu hỏi mở về việc liệu Trung Quốc có nhận thấy bất kỳ giá trị nào khi ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ hay không. Mức thuế mới, được đưa ra chỉ một ngày sau cuộc gặp giữa hai bên, chắc chắn sẽ vi phạm điểm mấu chốt của Trung Quốc khi xem xét Mỹ “có thể hiện đủ sự chân thành, giải quyết đúng đắn mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc và nỗ lực chung với Trung Quốc để tìm giải pháp trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” hay không.

Tin tức áp thuế này khiến thị trường tài chính Mỹ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, khi được hỏi về tác động trên thị trường tài chính, ông Trump nói với phóng viên: "Tôi không lo lắng đến điều đó chút nào."

Công ty đánh giá tín dụng Moody cho biết mức thuế mới sẽ đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm tăng trưởng ở Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung euro đang chậm lại.

Các chuyên gia cho biết mức thuế cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa cắt giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế Mỹ tránh khỏi những rủi ro chính sách thương mại.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng việc tăng thuế sẽ hạ thấp triển vọng của một thỏa thuận thay vì đẩy nhanh nó.

Hu Xijin, Tổng biên tập tờ báo, khẳng định Bắc Kinh sẽ tập trung nhiều hơn vào những nỗ lực để tồn tại trong một cuộc chiến thương mại kéo dài.

Ông nói: "Thuế quan mới sẽ không bao giờ mang một thỏa thuận mà Mỹ muốn đến gần hơn; nó sẽ chỉ làm cho thỏa thuận trôi xa hơn mà thôi."

Mục đích của việc khởi động lại các cuộc đàm phán không phải vì một trong hai bên nghĩ rằng những khác biệt nổi bật có thể được giải quyết nhanh chóng mà là vì việc này cung cấp vỏ bọc chính trị để tạm dừng cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng." Các cuộc đàm phán cần tạo ra đủ bầu không khí tích cực để biện minh cho việc tạm ngừng cuộc chiến thuế quan, ổn định hiện trạng và tránh đẩy hai nền kinh tế tiến gần hơn đến bờ vực chiến tranh.

Theo thời gian, họ có thể xây dựng đủ niềm tin và thiện chí để thể hiện sự linh hoạt, mặc dù điều đó dường như không thể xảy ra trong tương lai gần. Hiện tại, cả hai bên đang cố gắng thiết lập các quy tắc cho một "cuộc xung đột hạn chế" trong cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện.

Nếu các cuộc đàm phán bị phá vỡ một lần nữa và thêm nhiều mức thuế quan cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế được đưa ra, một trong hai hoặc nhiều khả năng cả hai nền kinh tế sẽ đi vào suy thoái, vì vậy giữa họ có một động lực mạnh mẽ để tiếp tục đàm phán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục