Gỡ vướng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Đề xuất cơ chế đặc thù

Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh đã đề xuất, xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội xem xét cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành việc thu hồi đất ở, bàn giao mặt bằng thi công đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Hình hài tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội rõ nét dần sau hơn 8 tháng thi công. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn đi qua huyện Mê Linh có chiều dài khoảng 11,2km với tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng lên đến 141,5ha.

Xác định đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện, Thủ đô và đất nước, huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng đất ở tại các xã vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh đã đề xuất, xin ý kiến Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét cơ chế đặc thù trên địa bàn huyện để sớm hoàn thành việc thu hồi đất ở, bàn giao cho chủ đầu tư thi công.

Nỗ lực cao độ để có "mặt bằng sạch"

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức, đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện đã phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp và đất do Ủy ban Nhân dân các xã quản lý được 134,7ha/134,7ha, liên quan đến 2.700 hộ dân, đạt 100% diện tích; hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân tại 4 thôn, di chuyển 566/566 ngôi mộ.

Để người dân sớm an cư, huyện đã bố trí 3 khu tái định cư (Khê Ngoại, Tân Châu, Nội Đồng) với diện tích 14,81ha, chiếm 44% diện tích các khu tái định cư của thành phố, phục vụ nhu cầu tái định cư của 330 hộ. Hiện, cả 3 khu tái định cư đã thi công đạt hơn 60% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành hạ tầng cơ bản vượt tiến độ khoảng 90-150 ngày so với kế hoạch…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, quá trình triển khai giải phóng mặt bằng đất ở tại các xã vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền của huyện như đề nghị giao thêm suất đất diện tích tối thiểu 80m2; cho phép mua suất đất diện tích tối thiểu 48m2; được bồi thường, hỗ trợ diện tích chênh lệch giữa giấy tờ và thực tế sử dụng…, Ủy ban Nhân dân huyện đã căn cứ và vận dụng các quy định của pháp luật tập trung giải quyết, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân.

Đến nay, trên cơ sở tiếp nhận các kiến nghị của người dân, tham khảo thực tế tại các địa phương khác như Đan Phượng, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.., huyện đã xây dựng phương án điều chỉnh giá đất nơi đi và nơi đến (khu tái định cư) tại các xã Văn Khê, Đại Thịnh, Chu Phan. Ngay sau khi phê duyệt, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ tổ chức công khai đến người dân nhằm tạo sự đồng thuận.

Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố như: Đề nghị đền bù đất vườn, đất ao như đất ở, Ủy ban Nhân dân huyện đã có văn bản số 559/UBND-TNMT báo cáo, đề xuất, xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét.

Nhà thầu thi công cầu vượt đường sắt (địa bàn huyện Mê Linh) dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Thực tế hiện nay, huyện bị vướng ở những trường hợp xây dựng nhà ở trên đất vườn ao do ông cha để lại. Hầu hết các thửa đất trong khu dân cư nông thôn đều có nguồn gốc là đất ông cha để lại, sử dụng từ trước ngày 18/12/1980. Các thửa đất này có diện tích đất lớn (trung bình gần 500m2), được cấp hạn mức 200m2 đất ở còn lại là đất vườn ao (hạn mức do thời điểm huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc quy định vùng đồng bằng là 200m2, trung du 300m2, miền núi 400m2).

Trong quá trình sử dụng, các thửa đất đã tách, tặng cho thành 73 thửa; có thửa đất khi chia tách toàn bộ diện tích chỉ là đất vườn, ao nhưng đã xây dựng nhà ở 2-4 tầng và công trình phụ trợ.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Mê Linh cho biết việc áp dụng chính sách về giá đền bù đối với đất vườn thấp trên diện tích đất lớn và giá bồi thường công trình trên đất vườn thấp hoặc không được bồi thường, không được xét tái định cư. Do vậy, với 42 thửa đất cần thu hồi thì toàn bộ diện tích là đất vườn, ao trong khu dân cư, nguồn gốc là đất ông cha để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ gia đình đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và xây nhà, công trình phụ trợ, sử dụng ổn định lâu dài (20/42 thửa).

"Nếu căn cứ quy định của pháp luật, các thửa đất này sẽ được áp dụng chính sách về giá đền bù đối với đất vườn thấp trên diện tích đất lớn và giá bồi thường công trình trên đất thấp hoặc không được bồi thường, không xét tái định cư. Vướng mắc lớn này dẫn đến việc người dân không đồng thuận để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Vướng mắc nữa là có 9 thửa đất có diện tích còn lại lớn hơn 30m2, không đủ điều kiện được xét tái định cư, nhưng thực tế các thửa đất này có hình thể méo mó, hình tam giác, hình thang, mặt tiền hẹp... không đảm bảo xây dựng nhà ở cũng như sinh hoạt của hộ gia đình dân cư nông thôn, sản xuất, có nhiều nhân khẩu sinh sống…

Đề xuất cơ chế đặc thù vì quyền lợi của người dân

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép xem xét tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất còn lại sau thu hồi bị méo mó.

Cụ thể, xét giao 1 suất đất tái định cư diện tích tối thiểu 80m2, đồng thời cho phép huyện xem xét, công nhận lại hạn mức đất ở đối với các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ dự án này).

Huyện Mê Linh cũng đề nghị thành phố cho phép huyện thực hiện cơ chế đặc thù (thửa đất vườn, ao độc lập), tính chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao thành đất ở với diện tích 1 lần hạn mức giao đất ở tối đa 180m2 và khấu trừ tiền chuyển mục đích tại phương án bồi thường và xét giao 1 suất tái định cư tối thiểu diện tích 80m2.

Mới đây, tại buổi đối thoại với gần 200 hộ dân bị thu hồi đất xã Văn Khê, sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đã giao Ủy ban Nhân dân huyện thành lập ngay Tổ công tác thường trực tại Ủy ban Nhân dân xã để giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị của người dân. không để hình thành điểm nóng, bức xúc.

Nhà thầu triển khai các hạng mục đắp cát nền đường, xử lý nền đất yếu dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo thống kê, toàn xã Văn Khê có 122 hộ được giao đất tái định cư với 104 thửa, diện tích 11.810m2; 13 hộ được mua suất tái định cư tối thiểu với 13 thửa, diện tích 624 m2; 86 thửa với diện tích 12.487,5 m2 được bồi thường bằng tiền. Riêng trên địa bàn thôn Khê Ngoại 2 có đến 35 thửa đã được cấp "sổ đỏ" đất theo hạn mức của tỉnh Vĩnh Phú và Vĩnh Phúc trước ngày 1/7/2014 chỉ có diện tích đất ở 200m2, còn lại là đất vườn (hiện đã tách thành 73 thửa) và 47 thửa đất nằm trong khu dân cư có nguồn gốc cha ông đã được cấp đất vườn, đất ao (trong đó 13 thửa người dân đã xây dựng nhà ở).

Tương tự, tại xã Chu Phan, người dân thôn Tân Châu cũng kiến nghị xem xét tăng giá đền bù đất nơi ở cũ, giảm giá đất nơi mới đến; có chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất; khẩn trương giao đất tái định cư để người dân làm nhà, ổn định cuộc sống…

Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt

Có thể thấy với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của huyện Mê Linh, đặc biệt sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn đi qua huyện đã diễn ra thuận lợi; quá trình triển khai dự án không có đơn thư vượt cấp, không phải cưỡng chế thu hồi đất.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết cùng với việc tập trung tuyên truyền đậm nét về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 4, các cán bộ Thường trực Huyện ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy dự sinh hoạt Chi bộ tại các thôn để thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, nhân dân. Định kỳ 2 tuần, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo của huyện họp nghe báo cáo tiến độ để kịp thời chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo yêu cầu của thành phố.

Đáng chú ý, người đứng đầu Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện trực tiếp chủ trì trên 30 buổi họp, đối thoại với nhân dân trên địa bàn 5 xã với trên 2.500 người tham dự để tuyên truyền, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân. Nhiều buổi đối thoại ngay tại thực địa, thậm chí làm việc cả trưa, cuối tuần và ngày lễ, Tết…

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định huyện đã nghiên cứu và vận dụng các quy định của pháp luật, tham khảo cách làm của các địa phương khác để xây dựng phương án sát thực tế, có tính khả thi trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân song chưa thể đáp ứng được mong muốn của tất cả các hộ dân bởi giá đất được thiết lập phải đảm bảo quy định của pháp luật.

Do vậy, lãnh đạo huyện mong muốn người dân cùng với chính quyền tiếp tục đồng lòng, sẵn sàng bàn giao đất đai, di dời tài sản để Nhà nước triển khai thi công dự án vì sự phát triển chung của địa phương, Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với các gia đình đồng thuận nhận tiền đền bù, di dời sớm, lãnh đạo Huyện ủy Mê Linh chỉ đạo Công an huyện kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách, lợi dụng diễn đàn có những hành động quá khích, ngăn cản người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục