Gỡ vướng mắc về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu đất ở, đất sản xuất và rất cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào chiều 6/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào chiều 6/6, ngồi trên “ghế nóng” nghị trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải đáp hàng loạt các vấn đề nhức nhối về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; các chính sách hỗ trợ; bố trí vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Vẫn còn thiếu đất ở, đất sản xuất cho bà con dân tộc

Khẳng định tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất là vấn đề rất lớn, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, qua quá trình rà soát và báo cáo thống kê của địa phương, đến năm 2019 nhu cầu đất ở thiếu là trên 24.000 hộ gia đình, đất sản xuất là trên 43.000 hộ gia đình.

Ủy ban Dân tộc sau khi tính toán đã xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Chính phủ, trong đó đặt ra mục tiêu năm 2025 giải quyết 65% nhu cầu đất ở cho người dân đồng bào dân tộc khó khăn nhất, số còn lại sẽ giải quyết xong vào năm 2026-2030.

Tuy nhiên, ông Lềnh cũng thừa nhận nhiều tỉnh, thành không có quỹ đất nên cần có giải pháp thống nhất của các bộ, ngành để thời gian tới rà soát quá trình thực hiện để có quỹ đất cấp cho bà con, trong đó những hộ dân chưa được cấp đất lần nào hiện đang tập trung giải quyết.

“Trung ương chỉ ban hành chính sách và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc. Trách nhiệm giải quyết quỹ đất ở, đất sản xuất đều giao cấp ủy chính quyền địa phương nên đề nghị các tỉnh khi rà soát chính sách phải triển khai đảm bảo công bằng cho người dân,” Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

[Kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi]

Về việc bố trí dự án sắp xếp dân cư xen ghép hay đầu tư tập trung, ông Lềnh cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh dựa trên khả năng phân cấp vốn của Trung ương theo các các tiêu chí, định mức chứ không giải quyết từng dự án hay hộ gia đình.

Đánh giá có nhiều nhóm cộng đồng dân cư có điều kiện sống rất tốt, được bố trí tái định cư sau thu hồi đất nhưng vẫn di cư, chủ yếu do tập quán và điều kiện kinh tế, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết giải pháp hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tại chỗ.

Ngoài ra, khi xây dựng các dự án tái định cư khi thu hồi đất, chính quyền cần xây dựng các dự án tái định cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là đầy đủ các điều kiện về dịch vụ cơ bản để người dân ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhưng đời sống còn khó khăn

Liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.

Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí như những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.

Hiện có 1.800 xã, thôn không còn là vùng đặc biệt khó khăn, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020 cũng như các chính sách ảnh hưởng trực tiếp gồm bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, học sinh sinh viên, nhà giáo, cán bộ vùng khó khăn, tín dụng hỗ trợ với cá thể hộ đặc biệt khó khăn.

[Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi]

Do vậy, Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.

Bà con dân tộc thiểu số người Mày ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN)

Trả lời thắc mắc về việc thực tế nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, theo ông Lềnh, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố.

“Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống người dân cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách. Do đó, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp, trong đó đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống,” Bộ trưởng nói.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Về nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025.

Ngoài ra, ông cho biết trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác như vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng, huy động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn xã hội khác.

[Đoàn giám sát của Quốc hội họp về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia]

Thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung nguồn lực đầu tư tại vùng khó khăn nhất, trong đó phân kỳ theo từng giai đoạn để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trong điểm cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng bày tỏ lo lắng chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô rộng lớn, nhiều chính sách tích hợp. Nhiều ngành, địa phương cũng trăn trở khi đội ngũ cán bộ phải triển khai chính sách tới tận thôn, bản, tổ chức thực hiện đến từng hộ gia đình.

“Dù chính sách nguồn lực đến đâu nhưng nếu bà con không nhận thức, đồng lòng và cùng Nhà nước làm thì không thành công. Do đó, việc đầu tiên là phải giáo dục về tiếng Việt, kiến thức, khoa học kỹ thuật… nhằm nâng cao đời sống người dân,” người đứng đầu Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục