Gỡ vướng cho 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển về "siêu" Ủy ban

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tháng 9/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao 5 tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Gỡ vướng cho 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển về "siêu" Ủy ban ảnh 1Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là một trong 5 tổng công ty được bàn giao về 'siêu' Ủy ban. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đồng chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 5 tổng công ty từng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải được chuyển giao về Ủy ban này.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tháng 9/2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao 5 tổng công ty, gồm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến công tác bàn giao, phối hợp để Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành những công trình, dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ và đảm bảo vận hành khai thác an toàn.

Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ quản lý các tổng công ty được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của các tổng công ty.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn, một số công trình, dự án giao thông triển khai đang rất khó khăn, tiến độ không đảm bảo, đặc biệt là những dự án liên quan đến vốn nước ngoài.

"Nếu tiến độ không kịp, chúng ta sẽ mất vốn, dẫn tới khả năng các dự án không thể hoàn thành, không đạt được mục tiêu; đặc biệt là không biết lấy tiền đâu để hoàn thành những công trình này. Muốn lấy vốn phải xin ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp đó xảy ra, trách nhiệm trước tiên là của các tổng công ty, liên đới là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bởi vì chúng ta không có giải pháp để xử lý, giải quyết," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Sau khi thảo luận và nghe ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh thống nhất sẽ chuyển công tác đảng của 5 tổng công ty trực thuộc Đảng bộ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, qua 6 tháng thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các tổng công ty đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án giao thông với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ xử lý. Nếu cần thiết, cả hai cơ quan sẽ cùng báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 131/2018/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tổng công ty.

“Bộ Giao thông Vận tải mong muốn Chính phủ ban hành một nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 5 tổng công ty từ Bộ Giao thông Vận tải bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Những vấn đề cần phải phân chia rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, trách nhiệm của Ủy ban,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến.

['Siêu ủy ban' ra đời sẽ xóa tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi?]

Đề cập đến các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đối với tiến độ các dự án đang triển khai, Bộ Giao thông Vận tải rất quyết liệt và chịu trách nhiệm với Chính phủ phải hoàn thành đúng thời hạn.

"Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tổ chức nhiều cuộc họp giao ban, kiểm tra trực tiếp công trường rất nhiều lần, nhưng việc thực hiện của một số tổng công ty; trong đó có Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rất chậm. Thậm chí, tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, dù đã có mặt bằng để thi công hàng rào, đường dân sinh, nhưng VEC chưa triển khai. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ những vướng mắc liên quan đến các dự án đường cao do VEC đang triển khai để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề.

Liên quan đến tái cơ cấu nguồn vốn của VEC, Bộ trưởng cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Bộ Chính trị. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Gỡ vướng cho 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển về "siêu" Ủy ban ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm chính của việc này là của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban sẽ chỉ đạo VEC phối hợp với các bộ, ngành; trong đó có Bộ Giao thông Vận tải để sớm hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục trình Quốc hội.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng thống nhất một số giải pháp xử lý liên quan đến các vướng mắc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục