Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Như vậy, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU.
Chia sẻ về các giải pháp để sớm khắc phục những hạn chế trong quản lý tàu cá, xây dựng một nghề cá trách nhiệm, bền vững, phóng viên TTXVN đã có cuộc chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.
- Bộ trưởng cho biết, kết quả chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) đến nay?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác IUU. Những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam cải thiện rất nhiều.
Trong thời gian gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cũng tích cực hơn trong việc tham gia, cải thiện những khuyến nghị của Đoàn thành tra EC.
Đặc biệt, mới đây, Ban Bí thư ban hành ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU. Như vậy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước.
Vấn đề hiện nay là việc thực thi ở các cấp độ các địa phương. Nhiều lần, Đoàn thanh tra EC đều đánh giá mức độ cải thiện ở Trung ương hay những thể chế được ban hành đã chứng tỏ quyết tâm chính trị của lãnh đạo Trung ương. Nhưng họ đòi hỏi sự thực thi ở ngoài thực địa, ở cấp độ địa phương.
Thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan khác như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đều vào cuộc ở tất cả cấp độ để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EC, đồng thời, coi đây là lần cuối với mong muốn chứng minh được sự cải thiện của Việt Nam qua những điều họ đã khuyến cáo.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh chống được khai thác IUU là điều kiện cần chúng ta phải vượt qua và để trong thời gian tới sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu.
Tất cả những khuyến cáo của EC, những điều cấm trong khai thác IUU đều đã có trong Luật Thủy sản 2017. Những khuyến cáo đó đã được Việt Nam cấm từ trong luật nhưng cấp độ thực thi chưa tốt.
Khi tôi tiếp xúc với những người ngư dân và họ đều chia sẻ rằng trữ lượng hải sản ngày càng giảm đi do cách chúng ta khai thác mang tính tận diệt như sử dụng mắt lưới nhỏ, dùng thuốc nổ…
Vì lý do sinh kế của bà con, đôi khi chưa kiểm soát tốt được, nhưng nguy hiểm hơn nhiều nếu không không nghĩ tới con đường lâu dài thì chính chúng ta đang làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng nghèo nàn.
Sức khỏe biển, môi trường biển là nơi nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản, do đó, chủ trương của Chính phủ là phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.
- Qua các chuyến công tác về vấn đề thực thi ở các địa phương, xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về việc thực thi hiện nay ra sao?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đầu tiên là nguồn lực về con người. Tôi cũng rất chia sẻ với các địa phương khi trong tiến trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở các cấp độ nên có những giới hạn về nguồn nhân lực cho ngành thủy sản nói chung, trong đó có nguồn lực cho các cảng cá.
Trong cái khó đó cũng có nhiều địa phương đã mạnh dạn giải quyết được. Chẳng hạn như việc hình thành Chi cục Kiểm ngư ở địa phương; tăng cường năng lực cho các cảng cá để họ đủ sức kiểm soát.
Tuy nhiên, với đội tàu cá khá lớn, với sự di chuyển của các đội tàu theo mùa cá thì lực lương này vẫn chưa đủ.
Bên cạnh đó, còn sự lúng túng trong phối hợp giữa các địa phương. Nhiều địa phương cũng đã có sự phối hợp với nhau tốt trong việc thông báo về tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển với địa phương quản lý tàu đó để có biện pháp xử lý.
Do đó, những nghị định, thông tư… là những cái cuối cùng về hoàn thiện thể chế đã được ban hành để xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm.
Tôi đã chỉ đạo Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư phải quản lý theo không gian biển, chứ không quản lý kiểu “cắt khúc” địa phương.
Bộ chỉ đạo các đơn vị phải kiểm soát được mọi diễn biến tàu từ ra khơi đến cập bến ở bất kỳ địa phương nào. Dù tàu có vi phạm ở bất kỳ địa phương nào đều có các thông tin xử lý, tránh tình trạng ngư dân tìm cách đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
- Cùng với Chỉ thị của Ban Bí thư vừa ban hành, từ góc độ quản lý ngành, theo Bộ trưởng vấn đề cốt lõi nào cần được thực thi để lần kiểm tra tới của EC, Việt Nam có thể gỡ được “thẻ vàng”?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có 3 điểm lớn mà chúng ta cần tập trung trong các khuyến cáo của EC. Một là tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba là do lịch sử để lại, Việt Nam có những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác và đây là tàu không số.
Đây là 3 tồn tại dễ dẫn đến ngư dân không tuân thủ pháp luật. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện đăng ký lại với những tàu “3 không” này.
Về vấn đề còn tình trạng tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, EC rất quan ngại vì họ đặt ra vấn đề là không có lý do gì mà Việt Nam không xử lý được.
Chủ tàu viện cớ do lỗi thiết bị hay do lỗi kết nối. Tất cả vấn đề đó không thuyết phục được EC. Vì nếu gặp các lỗi trên, chủ tàu phải báo về đất liền và đây là vấn đề EC đề nghị Việt Nam phải minh bạch.
Thời gian vừa qua, khâu quản lý của ngành, địa phương còn dễ dãi, chế tài chưa đủ sức răn đe.
Trước đây, có thể nói là luật pháp chưa có đủ chế tài để xử phạt nhưng Kiên Giang đã có vụ đưa ra xử lý hình sự. Điều này chứng tỏ nếu quyết tâm làm thì cơ sở pháp lý đã đủ và được sự đồng thuận từ các cơ quan Trung ương.
Đây cũng là lúc địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình cho hình ảnh quốc gia, chứ không chỉ là gỡ “thẻ vàng” IUU.
Nhiều lãnh đạo địa phương đã chia sẻ rằng họ phải chi 20% thời gian cho công tác chống khai thác IUU. Nhưng tôi cho rằng, thời gian này không chỉ là dành cho chống khai thác IUU mà cho cả sau này. Vì IUU chỉ là bước khởi đầu trong các bước Việt Nam cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Sau IUU là còn rất nhiều việc phải làm. EC cũng phát hiện sau khi họ gỡ “thẻ vàng” cho một số quốc gia một thời gian và quốc gia đó đã quay trở lại như cũ. Do vậy, đây không phải là việc đối phó.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Gỡ “thẻ vàng” IUU: Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định mới
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến nhưng để gỡ được “thẻ vàng” các địa phương cần nỗ lực hơn; tập trung quản lý giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm.