'Gỡ rối' cho dự án Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đại diện doanh nghiệp, trong khu chức năng số 19 thuộc Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh, có dự án đã hoàn tất đền bù từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
'Gỡ rối' cho dự án Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Ngày 25/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có buổi gặp gỡ với đại diện một số doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án khu chức năng số 19 thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố tọa lạc tại xã An Phú Tây và Hưng Long, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi gặp gỡ, các công ty chia sẻ khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng, bày tỏ mong muốn tiếp tục và tham gia đầu tư mới vào dự án trên cơ sở Ủy ban Nhân dân thành phố sớm có định hướng cụ thể.

Theo đại diện Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, khó khăn nhất của khu chức năng số 19 là chỉ mới đền bù được 60% diện tích trong khi các nhà đầu tư cũ đã trải qua hơn 20 năm thực hiện. Đây cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư mới quan ngại khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dự án.

Còn theo đại diện Tập đoàn Novaland, dự án có thể đẩy nhanh tiến độ nếu các nhà đầu tư thành phần có sự thống nhất hoặc có thể tính đến việc chia dự án thành nhiều phân khu để đẩy nhanh tốc độ triển khai.

Cá biệt, trong khu chức năng số 19, có dự án đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.

Ông Trần Văn Thường, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Đô thị Mới - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Doxaco, cho biết dự án có quy mô 5,3ha đã đền bù xong 100% diện tích từ năm 2017 nhưng do thủ tục Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung nên công ty phải làm thủ tục lại từ đầu, phải lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư xong mới được giao đất thực hiện dự án.

“Gần 20 năm theo đuổi dự án nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thể triển khai được do vướng mắc quy định pháp luật. Hiện hồ sơ xin chủ trương đầu tư đã hoàn thành, đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt. Doanh nghiệp đang chờ đợi và mong lãnh đạo thành phố sớm giải quyết để nhà đầu tư sớm triển khai dự án, góp phần sớm chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư phát triển các khu đất còn lại của toàn khu chức năng số 19," ông Trần Văn Thường kiến nghị.

Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án, Sở Xây dựng đề xuất phương án thực hiện trước hạ tầng trục chính giao thông toàn khu; có thể giao cho một cơ quan nhà nước có kinh nghiệm thực hiện, trên tinh thần các nhà đầu tư thành phần đóng góp kinh phí để hoàn thiện xong hạ tầng trục chính.

Khi hoàn thành, phần việc này sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư có đất liên kết lại, tự triển khai hoặc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo ranh giới theo đồ án quy hoạch và thực hiện những thủ tục đầu tư tiếp theo.

Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thông tin theo Luật Đầu tư mới, dự án Khu chức năng số 19 có quy mô hơn 196ha nên thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tại dự án chỉ mới đền bù giải phóng được 60%.

Theo quy định của Luật Đất đai, nếu toàn khu được chấp thuận chủ trương xây dựng khu đô thị thì có cơ sở để Nhà nước đứng ra bồi thường, giải phóng phần đất còn lại. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện cách làm này mà chủ yếu vẫn là sự đàm phán giữa nhà đầu tư với người dân có đất bị thu hồi.

Một hướng giải quyết khác là nhà nước hoặc nhà đầu tư đứng ra lập đề xuất chủ trương đầu tư cho cả dự án. Nhà nước sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư sau đó sẽ đưa dự án ra đấu thầu. Lúc này, nhà đầu tu thứ cấp sẽ bị chấm dứt chủ trương đầu tư và nhà đầu tư có đất cũng sẽ bị bồi thường, giải phóng mặt bằng như người dân. Vấn đề đặt ra là cần phải có cơ chế bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư thứ cấp.

[Đón cơ hội đầu tư trên thị trường bất động sản trong năm 2022]

Giải đáp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết kích hoạt các hoạt động đầu tư sau đại dịch COVID-19 là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp lý hồ sơ dự án.

Lãnh đạo thành phố sẽ “không ngồi yên một mình” phê duyệt hồ sơ mà một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách lĩnh vực đô thị sẽ ngồi lại với mỗi sở, ngành phụ trách để trực tiếp giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Quá trình làm sẽ thực hiện các bước đan xen để rút gọn thời gian.

Đối với Khu chức năng số 19 thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh đây là nguồn lực rất lớn và thành phố sẽ sớm kích hoạt. Trước mắt Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm rà soát lại kế hoạch sử dụng đất, đánh giá tình trạng quản lý đất đai tại khu vực; Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thống kê lại thủ tục đầu tư, tham mưu giải pháp không để tiếp tục kéo dài quá lâu.

Theo báo cáo của Ban Quản lý khu Nam, Khu chức năng số 19 có quy mô 196,6ha, được quy hoạch là khu dân cư, trung tâm công cộng và công viên. Từ năm 1998, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Quản lý khu Nam giao Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư chính đồng thời, chấp thuận địa điểm cho 18 nhà đầu tư thành phần.

Khoảng 10 năm sau, do việc triển khai dự án kéo dài, chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số dự án thành phần không triển khai nên Ban Quản lý khu Nam đã chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư Gia Tuệ được tham gia đầu tư dự án cấp 2 tại một số lô đất với quy mô khoảng 13ha.

Đến năm 2009, Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn đề nghị chuyển giao vai trò chủ đầu tư cấp 1 nhưng không có đơn vị thay thế. Do đó, Ban Quản lý khu Nam phải phân bổ lại diện tích và vị trí nhà đầu tư Khu chức năng số 19, giảm số lượng nhà đầu tư thành phần xuống còn 14 đơn vị.

Sang năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý khu Nam đã chấm dứt hiệu lực văn bản thuận địa điểm 6 dự án của một số công ty. Đến nay, các dự án thành phần tại khu chức năng số 19 không còn đủ pháp lý để tiếp tục triển khai, đầu tư xây dựng do hết thời gian hiệu lực.

Hiện đã có 2 dự án thành phần tự thương lượng và hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng gồm: dự án Trạm xăng dầu Nguyễn Văn Linh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Tân Phú và dự án khu nhà ở thấp tầng Doxaco của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Đô thị Mới.

'Gỡ rối' cho dự án Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Đại diện doanh nghiệp phát biểu. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Về bồi thường giải phóng mặt băng, hiện các chủ đầu tư dự án thành phần đã tự thương lượng bồi thường, giải phóng được 93,07 ha, chiếm khoảng 60% diện tích. Toàn khu chức năng số 19 chưa được san lấp và xây dựng. Sau nhiều lần họp bàn, đa số các nhà đầu tư đều thống nhất với phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư toàn bộ khu chức năng số 19 theo quy định hiện hành.

“Hiện nay, ngoài khu chức năng số 19 còn có khu 6B và khu 9A+B thuộc Khu đô thị mới Nam Thành phố cũng thực hiện phương thức đầu tư tương tự, đều có những hạn chế giống nhau không khắc phục được. Một số chủ đầu tư có đủ năng lực không thể chờ đợi đã tách ra để triển khai dự án thành phần riêng dẫn đến tình trạng triển khai dự án không đồng bộ. Vì thế, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho toàn khu chức năng số 19 để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn khu. Những nhà đầu tư trước đây có thể tham gia dự án thông qua liên doanh, liên kết góp vốn bằng quỹ đất đã có," đại diện Ban Quản lý khu Nam kiến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục