Quốc hội vừa hoàn thành giám sát tối cao "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành."
Đây là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khóa XV, được đánh giá là điểm nhấn trong công tác giám sát của Kỳ họp thứ 3.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan; từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Sau khi xây dựng đề cương, nghiên cứu báo cáo và làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát đã có báo cáo trình Quốc hội, trong đó nêu bật kết quả đạt được và nhận diện những nút thắt, điểm nghẽn trong thực hiện Luật Quy hoạch.
Về kết quả đạt được, Báo cáo chỉ rõ: Xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn…
Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập, có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Một số bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí...
Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Theo đó, Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.
[Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác quy hoạch]
Việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn; số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao... nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch...
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Trong đó, giải pháp cần triển khai ngay là cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Về trung và dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Xây dựng quy hoạch vì sự phát triển chung, không cục bộ, manh mún
Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề giám sát về công tác quy hoạch là trúng và đúng với tâm tư, nguyện vọng của đa số cử tri, nhân dân cả nước. Báo cáo đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan kết quả thực hiện, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và những giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn. Đây là điều kiện, tiền đề để Chính phủ, Quốc hội xem xét một cách nghiêm túc, căn cơ việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch.
Nhấn mạnh công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng vì muốn có dự án tốt, nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế-xã hội, phải có quy hoạch tốt, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng quy hoạch phải đi trước một bước. Theo đó, công tác quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới cũng như phải bám sát Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan.
Quá trình lập quy hoạch phải bám sát thực tiễn, đánh giá được tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và các địa phương; đồng thời, phải đánh giá toàn diện, đầy đủ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình, từ đó có quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xác định đây này là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác cho công tác này, xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ. Việc xây dựng quy hoạch phải vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không cục bộ, manh mún.
Đồng tình với đánh giá trong Báo cáo về tiến độ lập quy hoạch quá chậm so với quy định, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần làm rõ nguyên nhân vì sao quy hoạch chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, nếu như phải điều chỉnh, chi phí bồi thường cho nhà đầu tư ai sẽ phải chịu. Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa mới được phê duyệt rất công phu, nay các tỉnh lập quy hoạch lại thấy những chỉ tiêu đó không phù hợp. "Tôi cho rằng nguyên nhân không phải hoàn toàn do khiếm khuyết của Luật Quy hoạch mà do chúng ta đã hiểu chưa đúng về cách thức triển khai quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí là còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất của Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp," đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu, quy hoạch tích hợp không phải đơn thuần chỉ là việc ghép nội dung từ nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc, tức là từ cấp trên, cấp dưới và theo chiều ngang là theo không gian lãnh thổ. Để liên kết và thống nhất được các chỉ tiêu quy hoạch theo cả chiều dọc và chiều ngang thì quá trình xây dựng quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương để cùng đặt các phương án quy hoạch lên bàn, cùng trao đổi, thảo luận để đi đến một phương án chung thống nhất.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ xét theo kinh nghiệm thế giới và lý luận, thực tiễn thì việc đưa ra một quy hoạch kể cả cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp là rất khó khăn về mặt kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng, quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác thực tế đều là các quy hoạch tích hợp. Tất nhiên, tích hợp phải có sự lựa chọn để đưa được các nội hàm quy hoạch một cách hợp lý; trong quy hoạch có phần ổn định và có phần có thể thay đổi, tức là có phần "tĩnh" và có phần "động." "Tĩnh" là những vấn đề mang tính chất bảo tồn, giữ các di sản thiên nhiên hoặc những dự án có thể khẳng định là có giá trị lâu dài và mang tính bền vững.
Ngoài ra là phần "động." Khi đưa vào "động" nghĩa là vừa bảo đảm yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác phải theo cơ chế thị trường. Nếu đưa tất cả mục tiêu và các dự án phát triển lên một quy hoạch tích hợp, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là đang đi ngược lại với việc bảo đảm tính sáng tạo, phát triển của các vùng, địa phương và doanh nghiệp thể hiện qua các quy hoạch ngành.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không làm tốt công tác quy hoạch thì đến một thời điểm, việc điều chỉnh quy hoạch cấp dưới so với quy hoạch cấp trên sẽ hết sức khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh khi đã đầu tư thì phải xét đến vấn đề sau này ai sẽ chịu trách nhiệm và đền bù các dự án đã được triển khai ở quy hoạch dưới? Quy hoạch tiếp cận theo hướng đồng thời nhưng phải có sự phối hợp lên-xuống. Không phải hướng đến một quy hoạch tích hợp là cả nước chỉ có một quy hoạch. Mỗi ngành, mỗi cấp đều có thể có quy hoạch và đó là phát huy tính sáng tạo nhưng trong hệ thống đó cần đưa ra những quy định để bảo đảm từ khâu xây dựng có sự phối hợp "2 lên 1 xuống," trong quá trình điều chỉnh có trước, có sau và làm rõ cấp nào xây dựng quy hoạch thì cấp đó mới điều chỉnh.
Chủ động, đổi mới trong công tác giám sát
Luật Quy hoạch mới chỉ có hiệu lực được hơn 3 năm và hầu hết các quy hoạch theo quy định mới của Luật đều đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trước đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các quy hoạch khi hầu hết đều đang chậm 2-3 năm, Quốc hội đã lựa chọn nội dung này để giám sát tối cao trong năm 2022. Đây cũng là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thể hiện rõ nét sự năng động, đổi mới, sáng tạo của Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát; không phải chờ cơ quan hành pháp đề xuất mà chính Quốc hội đã nhận thấy phải chủ động giám sát tối cao để tháo gỡ ngay những vướng mắc trong thực tiễn.
Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định lựa chọn giám sát tối cao về quy hoạch là quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là một sự đổi mới trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, mới, phức tạp, giúp cho công tác điều hành của Chính phủ thuận lợi hơn. Còn đối với công tác quy hoạch, việc này sẽ đẩy nhanh công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
71 trang Báo cáo đầy đủ, 12 trang Báo cáo tóm tắt cùng nhiều phụ lục kèm theo và các báo cáo kết quả tọa đàm, hội thảo tham vấn chuyên gia, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, các địa phương gửi các đại biểu Quốc hội… đã cho thấy quá trình làm việc hết sức công phu, kỹ lưỡng, khách quan của Lãnh đạo Quốc hội và Đoàn giám sát trong suốt thời gian qua.
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát trong thực thi nhiệm vụ, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên bị lây nhiễm, song Đoàn giám sát đã linh hoạt, kịp thời điều chỉnh kế hoạch từ giám sát trực tiếp sang giám sát trực tiếp kết hợp trực tuyến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm của Đoàn Giám sát, của các đại biểu Quốc hội, một bức tranh toàn cảnh về công tác quy hoạch đã được khắc họa rõ nét, trong đó đã chỉ ra đúng, trúng những vấn đề cần tập trung giải quyết để bảo đảm tiến độ, chất lượng các quy hoạch. Nhiều chuyên gia, cử tri tin tưởng, thời gian tới, công tác quy hoạch sẽ chuyển biến tích cực, góp phần khơi thông nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.