Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp Việt Nam nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sang các nước trên thế giới, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, có giá trị kinh tế cao rất quan trọng và cần thiết.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng với cơ quan chức năng đã thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp Việt tại nước ngoài, tạo tiền đề, cơ sở thúc đẩy các sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Nút thắt" trong bảo hộ, sự khác biệt về pháp luật
Luật sư Nguyễn Bá Hội, thành viên tham gia dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho ba sản phẩm Việt: vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, hai bên khẳng định nỗ lực tạo các thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt của Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn của Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Việc chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tiền đề, cơ sở hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường, bảo vệ danh tiếng và giá trị sản phẩm truyền thống của mỗi quốc gia.
[Vải thiều Lục Ngạn được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản]
Với định hướng trên, từ ngày 2/6/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) giao Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB) ký Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản với 3 nội dung chiến lược gồm: thúc đẩy việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở hai quốc gia; trao đổi thông tin về chính sách bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tăng cường nhận thức công chúng về chỉ dẫn địa lý.
Thực hiện Bản ghi nhớ, Việt Nam đã lựa chọn một số sản phẩm đặc thù, có thế mạnh để đăng ký thử nghiệm gồm: vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và càphê Buôn Ma Thuột.
Ba sản phẩm này được phê duyệt dự án đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 8/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2019, tuy nhiên, do sự khác biệt về quy định của pháp luật và quy trình xét nghiệm của Nhật Bản, dự án đã phải gia hạn lần thứ 4 và kết thúc sau 3 năm (tháng 6/2021).
Sau gần hai năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý, ngày 12/3/2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên trong ba sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Thực tế, khi vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, giá trị quả vải tăng cao, thị trường xuất khẩu mở rộng, trong đó có Nhật Bản nhưng phải gắn tên của đơn vị cung cấp sản phẩm phía Nhật Bản trong quá trình tiêu thụ.
Do đó, với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, chỉ dẫn địa lý "vải thiều Lục Ngạn" được gắn lên các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, giá trị gia tăng của sản phẩm cao hơn, cơ hội được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn hơn.
Thực tế cho thấy thời gian đăng ký chỉ dẫn địa lý bị kéo dài do gặp rất nhiều khó khăn bởi sự khác biệt về pháp luật trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia; khả năng vận hành của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý yếu; tài chính và các nguồn lực khác...
Ðáng chú ý, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về vải thiều Lục Ngạn, thiếu các tài liệu có cơ sở khoa học nghiên cứu đặc tính của sản phẩm, do đó đáp ứng chậm các yêu cầu từ phía Nhật Bản.
Bên cạnh đó, phần lớn các nghiên cứu về cây vải ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào kỹ thuật canh tác, giống, phương pháp bảo quản... mà ít có nghiên cứu sâu về quả vải.
Do đó, Việt Nam bị động khi phía Nhật Bản đề nghị chứng minh cơ sở khoa học "vị ngọt đậm" của quả vải, những yếu tố mang lại độ ngọt đó như: thổ nhưỡng, khí hậu, hay quy trình sản xuất.
Ngoài ra, dữ liệu về đặc tính sản phẩm không được cập nhật thường xuyên, các nghiên cứu về điều kiện địa lý tự nhiên còn rời rạc, không thống nhất.
Hoạt động sản xuất nhiều khi không đúng với phương pháp sản xuất đã tuyên bố trong hồ sơ đăng ký.
Từ thực tiễn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thấy việc thiếu các nghiên cứu khoa học, tài liệu, cơ sở khoa học, thực hành sản xuất không đồng đều, sự khác biệt về pháp luật... đã kéo dài thời gian cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vì vậy, cần sớm gỡ "nút thắt" và phổ biến cho các địa phương để có sự chuẩn bị tốt nhất trong đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Từ quả vải, thanh long... đến càphê "Buôn Ma Thuột"
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết ngày 15/5/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã gửi tài liệu để tham vấn ý kiến FIAB trước khi nộp đơn chính thức và FIAB đã sang Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá với vải thiều Lục Ngạn.
Sau khi khảo sát và đánh giá FIAB khuyến nghị nhóm thực hiện dự án tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Đến ngày 26/4/2019 thông qua đại diện Nhật Bản là Seiwa, Việt Nam đã chính thức nộp cả ba hồ sơ đến MAFF và được công bố đơn cho 3 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên website MAFF ngày 7/6/2019 với đơn số 212 cho cà phê Buôn Ma Thuột; Đơn số 213 cho vải thiều Lục Ngạn và Đơn số 214 cho thanh long Bình Thuận.
Ngày 12/3/2021, sau 2 năm vướng mắc do gặp nhiều khó khăn bởi sự khác biệt về pháp luật trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên trong ba sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, sau khi gỡ "nút thắt" khác biệt về pháp luật, chỉ sau gần 7 tháng, Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Thực tế, sau khi nộp đơn đến khi thanh long Bình Thuận được cấp văn bằng bảo hộ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải thích, chứng minh, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu từ phía Nhật Bản tập trung vào nội dung: các tài liệu, chứng cứ chứng minh danh tiếng của sản phẩm; số liệu phân tích về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm được so sánh trong tương quan với sản phẩm cùng loại của các vùng hay địa phương khác phải là số liệu được cập nhật mới nhất, đây thực sự là trở ngại vì kết quả số liệu phân tích của 3 hồ sơ đăng ký đều có từ rất lâu và không được cập nhật,
Ngoài ra, còn có đặc tính riêng của sản phẩm và yếu tố tác động đến tính chất, chất lượng đặc thù đó; tài liệu chứng minh kỹ thuật sản xuất sản phẩm ổn định trong vòng ít nhất là 25 năm; tài liệu chứng minh Quy chế quản lý quy trình sản xuất của sản phẩm được vận hành một cách hiệu quả...
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay, càphê Buôn Ma Thuột hiện đang trong quá trình giải trình, sửa đổi, bổ sung để thực hiện cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, do sự khác biệt về quy định pháp luật và quy trình xét nghiệm của Nhật Bản, dự án đã phải gia hạn lần thứ 4 và kết thúc nên toàn bộ hồ sơ, tiến trình giải trình, theo dõi đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và chuyển về địa phương để địa phương tiếp tục thực hiện và Cục Sở hữu trí tuệ cùng với các đơn vị tư vấn tiếp tục đồng hành cùng địa phương để càphê Buôn Ma Thuột được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản trong thời gian sớm nhất./.