Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; trong đó gần 1/3 không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng.
Mặc dù đây không phải là câu chuyện mới nhưng vẫn là nút thắt hạn chế đà phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vậy đâu là rào cản chính của vấn đề này và giải pháp cụ thể là gì?
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu xoay quanh vấn đề này.
-Thực tế hiện nay cho thấy dù doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn và ngân hàng cũng tung nhiều gói tín dụng ưu đãi để hấp dẫn doanh nghiệp, nhưng cung và cầu vẫn còn khó gặp nhau. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Có lẽ không chỉ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn luôn khát vốn. Là loại doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là ở Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90% về nguồn nhân lực, đóng góp tỷ trọng lớn cho ngân sách quốc gia, nhưng lại là khối doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhất.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có độ rủi ro cao khi họ vừa bước chân vào thương trường, chưa có thị phần vững chắc, khả năng tài chính cũng rất hạn chế, đặc biệt là họ không có tài sản thế chấp. Vì vậy đến với hệ thống ngân hàng, hầu như ngân hàng nào cũng đều "đóng cửa" với họ.
-Vậy theo ông, làm sao để cải thiện tình trạng này?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có kế hoạch, dự báo tài chính, phương án hoạt động khả thi để khi gặp ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty tài chính hay Quỹ đầu tư có thể trình bày, thuyết phục họ đầu tư, tài trợ.
[Làm gì để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt?]
Về phía các ngân hàng có thể mở rộng cửa hơn nữa. Chúng ta vẫn biết ngân hàng là hệ thống tài chính quan trọng nhất của đất nước, nhưng đó cũng là chỗ phải có độ an toàn cao. Bởi ngân hàng huy động vốn từ người dân và dùng vốn đó để cho các doanh nghiệp vay, 10 đồng cho vay ra thì có tới 9 đồng là vốn huy động nên cần có độ an toàn rất cao.
Cũng bởi tính an toàn đó mà họ chưa có độ tin tưởng thật sự vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ngành ngân hàng cần có quy trình thẩm định cụ thể và hợp lý hơn, sẵn sàng tiếp xúc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và phải có các sản phẩm phù hợp.
Trong những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng nhóm doanh nghiệp này vẫn cần nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa. Vì vậy, toàn hệ thống tài chính, từ các doanh nghiệp, ngân hàng cho tới Chính phủ cần tăng cường sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
-Bên cạnh kênh vốn chính từ ngân hàng, ông đánh giá ra sao về khả năng tiếp cận các kênh vốn khác trên thị trường tài chính của doanh nghiệp hiện nay?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Tại Việt Nam, hiện nay cũng đã có nhiều Quỹ đầu tư, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vì ít doanh nghiệp có được các phương án, kế hoạch hoạt động cụ thể, thực tế nên thường không được các Quỹ này chấp nhận.
Các Quỹ đầu tư thường sẵn sàng tài trợ cho các doanh nghiệp, nhưng với các điều kiện khắt khe như kiểm soát doanh nghiệp (kiểm soát tài chính, hoạt động, gửi người vào trong Ban quản trị để cùng doanh nghiệp quản trị...) và khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, họ thường đòi hỏi cổ tức hoặc phần chia lời rất lớn (có thể lên tới 50% lợi nhuận). Với những điều kiện như vậy thì nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà.
Về phát hành trái phiếu, doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không thể đạt được các yêu cầu đưa ra tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp. Do đó phát hành trái phiếu là một cánh cửa khó mở ra được đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với các công ty tài chính, bao gồm cả các công ty cho thuê tài chính có lẽ là một cánh cửa hỗ trợ hiệu quả với nhóm doanh nghiệp này.
-Ông vừa nhắc tới cho thuê tài chính. Mô hình này hiện phát triển ra sao trên thế giới, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Tại các nước tiên tiến, cho thuê tài chính là một giải pháp tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho thuê tài chính nói chung gồm 2 loại: cho thuê vận hành, hoạt động (operating lease) và cho thuê tài chính theo đúng nghĩa (capital lease).
Với các doanh nghiệp nhỏ không có tiền mua các thiết bị lớn như ô tô, tàu thủy hay thậm chí là máy bay thì công ty cho thuê tài chính sẽ mua các tài sản đó và cho doanh nghiệp thuê lại. Hoặc doanh nghiệp nhượng quyền sở hữu tài sản cho công ty cho thuê tài chính để thu về một số vốn lưu động, quay vòng phục vụ sản xuất kinh doanh rồi sau đó thuê lại tài sản đó từ công ty cho thuê tài chính.
Hình thức cho thuê tài chính đem lại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cơ hội nhận được nguồn vốn tài trợ lớn để có trang thiết bị sản xuất. Tuy nhiên tại Việt Nam, cho thuê tài chính còn chưa phổ biến và doanh nghiệp còn chưa biết đến nhiều.
-Vậy đâu là những tiềm năng và hạn chế của mô hình này tại Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần các trang thiết bị, phương tiện vận tải... để đầu tư cần đến nguồn vốn lớn trong trung và dài hạn. Do đó, tiềm năng để phát triển lĩnh vực cho thuê tài chính tại Việt Nam đang rất lớn.
Nhưng "nút thắt" hiện tại là số lượng các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam còn rất ít, có lẽ cũng khởi nguồn từ vấn đề vốn. Thực tế, công ty cho thuê tài chính muốn mua thiết bị với số tiền lớn cho doanh nghiệp thuê thì một trong những cách huy động vốn là phát hành trái phiếu, nhưng nếu công ty cho thuê tài chính còn chưa có uy tín trên thị trường thì việc phát hành trái phiếu cũng rất khó khăn, nếu vay ngân hàng từ 5-10 năm thì phương án này cũng kém khả thi.
Rõ ràng bản thân các công ty cho thuê tài chính cũng gặp khó khăn về tài chính nên dù đây là "cửa ra" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hiện nguồn cung vẫn chưa đủ.
Theo tôi, Chính phủ nên hỗ trợ để nhiều công ty cho thuê tài chính được thành lập tại Việt Nam, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty cho thuê tài chính ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).... để hỗ trợ ngành thuê tài chính Việt Nam phát triển, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước.
-Trân trọng cảm ơn ông!./.