Tại tọa đàm “Thị trường bất động sản như thế nào sau dịch COVID-19” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 11/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thị trường bất động thành phố gặp khó khăn từ 2018 và trầm trọng hơn từ năm 2019.
Đến đầu năm 2020, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ vượt qua thách thức nhưng lại gặp đại dịch COVID-19 khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Hiện nay, thị trường khan hiếm sản phẩm do sự chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí xung đột trong các quy định của pháp luật, từ xây dựng, đất đai, đầu tư, doanh nghiệp, thuế... nên dự án được phê duyệt chậm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 126 dự án nhà ở bị ách tắc do thủ tục đầu tư, không duyệt được quy hoạch tỷ lệ xây dựng 1/500.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đến mức xấu. Trong tháng 5/2020, sức tiêu thụ tăng 15 lần so với tháng 4/2020, chứng tỏ sau dịch COVID-19, thị trường đang bật trở lại và sẽ hồi phục rất nhanh nếu có sự tháo gỡ chính sách từ Nhà nước.
Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, thậm chí đạt tới đến 99-100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Tương tự, phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỷ đồng trở xuống có tỷ lệ hấp thụ đạt tới 100%.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, việc sụt giảm nguồn cung bất động sản diễn ra từ 2019 chưa hẳn do COVID-19 mà còn do sự chồng chéo pháp luật.
Tuy nhiên, giá cả không biến động nhiều, hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn, đầu tư nước ngoài giảm do thực hiện giãn cách xã hội.
[Năm 2020, căn hộ trung cấp sẽ ''thống lĩnh'' thị trường Hà Nội]
Những tháng đầu năm 2020, nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách tháo gỡ điểm nghẽn thể chế. Đơn cử là việc gỡ vướng vấn đề đất công xen cài trong dự án, quyền sử dụng đất ở hợp pháp, chính sách nhà ở xã hội, việc bố trí quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại quy mô trên 10ha, các chính sách lựa chọn, ưu đãi nhà đầu tư làm dự án nhà ở xã hội, cắt giảm thủ tục không cần thiết.
"Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại có giá thấp. Dự kiến trong quý 3/2020, Bộ Xây dựng sẽ trình dự thảo Nghị quyết về vấn đề này cho Chính phủ. Ngoài ra, trong quý 4/2020, Bộ Xây dựng cũng sẽ trình Chính phủ Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định 101 sửa đổi về vấn đề hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, cải tạo chung cư cũ với nhiều điểm mới, tháo gỡ khó khăn, bất cập hiện nay," ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết thêm.
Dước góc độ quản lý chuyên ngành địa phương, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng thành phố xét duyệt, xác nhận đủ điền kiện huy động vốn mua bán căn hộ hình thành trong tương lai đối với 12 dự án (quy mô 3.826 căn, tổng giá trị huy động vốn hơn 11.700 tỷ đồng) giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Để tháo gỡ nút thắt về chính sách, hiện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển nhà ở đảm bảo gia tăng dân số 1 triệu người sau 5 năm, tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, từ pháp lý đất đai, đầu tư đến cấp phép xây dựng, xử lý đất công xen cài trong dự án.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng đang xây dựng quy trình thực hiện dự án nhà ở, tổng hợp ý kiến các sở ngành, hoàn thiện lại trước khi trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
“Sở Xây dựng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tổng hợp có kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Sở Xây dựng cũng sẵn sàng phối hợp việc giải quyết tồn kho sản phẩm nhà ở cao cấp sang nhà ở xã hội hoặc phân khúc bình dân, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về kinh doanh bất động sản, trật tự xây dựng, đảm bảm phát triển thị trường nhà ở lành mạnh, bền vững," ông Lê Trần Kiên nêu ý kiến.
Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Trần Quốc Dũng, Hưng Thịnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, hiện nay sự chồng chéo các luật, quy định đang gây khó khăn cho việc phê duyệt dự án. Trung bình dòng đời 1 dự án nhà ở từ lúc hình thành và triển khai kéo dài từ 4-5 năm và phải mất thêm 1 năm nữa để có thể có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác lập chủ quyền căn hộ cho khách hàng.
Ngoài ra, một vướng mắc phổ biến hiện nay là việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do cơ quan nhà nước thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch khiến doanh nghiệp, dù đã đóng tiền sử dụng đất trước đó hoặc sẵn sàng đóng tiền bổ sung, cũng gặp nhiều khó khăn để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đại diện một doanh nghiệp khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (thuộc Đại Phúc Group) cho rằng dịch COVID-19 là thử thách, biến cố nhưng cũng là dịp thử sức để doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp dự phòng, để sau khi dịch đi qua sẽ nhanh chóng bắt nhịp với thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, để xây dựng, hình thành và phát triển Khu đô thị Vạn Phúc (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) như hiện nay, Đại Phúc Group đã phải mất tới 15 năm triển khai các thủ tục, dẫn tới việc phải điều chỉnh cục bộ sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu thực tế thị trường.
Góp ý việc phát triển sản phẩm bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng cần quy sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.
Phân khúc cao cấp nên tập trung ở khu vực trung tâm do giá trị đầu vào cao, phù hợp với khách hàng thượng lưu. Phân khúc trung cấp, nhà ở bình dân vừa túi tiền sẽ phải đi xa hơn, bán kính khoảng từ 10-15 km.
Cùng với đó, cơ quan nhà nước nên quy đổi quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án thương mại quy mô trên 10 bằng tiền đóng nộp vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển đổi vị trí để doanh nghiệp dễ thực hiện, có tính khả thi trong thực tế.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết mỗi luật đều có quy định riêng, không có luật nào đặt ra quy tình các bước thực hiện 1 dự án đầu tư nhà ở. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra yêu cầu phải có quy trình rõ ràng, nên Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến trên cơ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng dự thảo hoặc có các kiến nghị.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất đây là ưu tiên giải quyết hàng đầu cho khách hàng, cư dân dù doanh nghiệp, dự án đang vướng mắc.
Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã được cụ thể hóa các điều kiện trong pháp luật về đất đai./.