Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, xã hội hóa nạo vét hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tuyến đường thủy nội địa được đánh giá là một kênh chiến lược thu hút đầu tư quan trọng. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để gỡ nút thắt về “nỗi lo” kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án xã hội hóa ngành hàng hải và đường thủy nội địa được triển khai đã mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm được khá nhiều kinh phí và hiệu quả vẫn cao.
Đơn cử như nạo vét luồng ở Đà Nẵng những năm trước đây phải chi đến khoảng 17 tỷ đồng cho nạo vét, nhưng khi triển khai xã hội hóa chỉ còn khoảng 9 tỷ đồng. Hay luồng Cái Lân trước đây cũng tốn khoảng hơn 20 tỷ đồng, khi thực hiện xã hội hóa chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng...
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý chủ trương thực hiện xã hội hóa nạo vét một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải và tuyến đường thủy nội địa sông theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Thành phố thông qua chủ trương tiếp tục triển khai dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu-Tắc Bài đến sông Gò Gia (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Hưng Thịnh làm chủ đầu tư); dự án nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim luồng Tắc ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Hồng Phát làm chủ đầu tư); dự án Xã hội hóa đầu tư xây dựng khu neo đậu, chuyển tải, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp (Công ty cổ phần đầu tư Khai thác Cảng làm chủ đầu tư)…
[Đề xuất đầu tư 500 tỷ đồng nâng cấp luồng hàng hải Hòn Gai-Cái Lân]
Theo nhà chức trách, xã hội hóa việc nạo vét hàng hải sẽ mang lại nguồn doanh thu cho ngân sách Nhà nước như thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác cũng như các loại thuế, phí khác theo quy định…
“Các dự án xã hội hóa nạo vét các tuyến luồng hàng hải, thủy nội địa sẽ giúp Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, doanh nghiệp tham gia, khai thác giao thông đường thủy đều được hưởng lợi từ triển khai xã hội hóa lĩnh vực này,” đại diện Cục Hàng hải nhận định.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét để khai thác “cát tặc,” Bộ Giao thông Vận tải phân rõ trách nhiệm và giám sát nghiêm ngặt đối với dự án trên tất cả các khâu từ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án chuyển tiếp đến thi công, bàn giao dự án hoàn thành. Nhà đầu tư cũng có trách nhiệm lựa chọn tư vấn giám sát độc lập thi công, nghiệm thu toàn bộ dự án trình cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận.
Để thuận tiện cho công tác giám sát, thời gian thực hiện nạo vét từ 6-18 giờ, không được thi công vào ban đêm. Các nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm phối hợp địa phương để thực hiện khâu giám sát cộng đồng. Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tổ chức lựa chọn tư vấn giám sát độc lập đủ năng lực để hỗ trợ giám sát thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng hải tăng cường kiểm tra, giám sát các nội dung đã được phê duyệt, đặc biệt là công tác giám sát đổ thải, khảo sát đo đạc độ sâu và xử lý kịp thời các vi phạm đối với các nhà đầu tư dự án.
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kế hoạch duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải năm 2020 với tổng ngân sách 1.223 tỷ đồng./.