Hiện nay, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đang thực hiện đầu tư xây dựng đường dây 500kV Thường Tín-Tây Hà Nội trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín (thành phố Hà Nội).
Theo ông Hoàng Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, đường dây 500kV Thường Tín-Tây Hà Nội được thi công nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải phát triển của phía Tây Thủ đô Hà Nội.
Sau khi hoàn thành công trình này sẽ nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy, tạo sự linh hoạt trong vận hành lưới điện truyền tải khu vực.
Đồng thời, việc kết nối giữa trạm biến áp (TBA) 500kV Tây Hà Nội và TBA 500 kV Thường Tín tạo mạch vòng liên kết lưới điện 500kV xung quanh thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp điện cho thành phố Hà Nội vào mùa nóng năm 2020, theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự án phải hoàn thành đóng điện trước tháng 4/2020.
Tuy nhiên, trên thực tế tại công trường đường dây 500kV Thường Tín-Tây Hà Nội. Hiện nay, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đã bàn giao được 87/96 vị trí móng, còn 9 vị trí đang giải quyết khó khăn vướng mắc để giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu.
Về tiến độ chung, các nhà thầu đã hoàn thành đúc móng 80/96 vị trí; đang thi công móng 04/96 vị trí; dựng cột hoàn thành 71/96 cột; đang dựng 06/96 cột; còn lại 03 vị trí đã xong móng đang chuẩn bị lắp dựng cột và 12 vị trí chưa thi công móng do khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…
Hiện nay, 9 vị trí móng chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng nằm trên địa bàn huyện Thường Tín, chưa bàn giao được cho nhà thầu thi công. Một khó khăn nữa là việc tái định cư cho 11 hộ tại huyện Thường Tín vẫn chưa được thực hiện.
Tại công trường xây dựng dự án, những người thợ xây lắp đang gấp rút vận chuyển những thanh cột vượt ruộng để lắp dựng cột.
Ở vị trí 30 đường dây 500kV Thường Tín-Tây Hà Nội, anh Phạm Đức Thuận, cán bộ kỹ thuật công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Á cho biết, cung đoạn của đơn vị đang đảm nhận thi công nói riêng và cả cung đoạn đường dây này nói chung đa phần các vị trí cơ bản nằm trên ruộng lúa thấp trũng.
Một số vị trí nằm vào khu vực ao hồ, vì quá trình thi công móng, dựng cột khó khăn khi có mưa, ngập hố móng, ngập vị trí và ngập úng khu vực xung quanh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thi công.
Ông Trần Văn Anh, Cán bộ Kỹ thuật Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết thêm, để đảm bảo duy trì nguồn điện cho khu vực Tây Hà Nội, việc cắt điện các đường dây 220kV hiện hữu đi gần và giao chéo rất khó khăn, do đó, đơn vị phải kiểm soát nghiêm ngặt để tổ chức thi công dựng cột vị trí 30, 31 cạnh 2 đường dây 220kV đang mang điện đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến đô.
Kế hoạch cắt điện các đường dây 220kV giao chéo do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc đã tính toán và phê duyệt, sau đó tiến hành thi công kéo dây khoảng néo vị trí 29-32 trong khoảng thời gian cho phép.
Đây là một trong những nhiệm vụ, nút thắt khó khăn của dự án mà các bên liên quan đang gấp rút tập trung để hoàn thành để tháo gỡ.
Trước mắt, tại công trình này vẫn còn nhiều điều phải làm, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc bám sát công trường nhắc nhở các nhà thầu bố trí đủ phương tiên và nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Có như vậy đường dây 500 kV Thường Tín-Tây Hà Nội sớm hoàn thành và kịp đóng điện trong quý 1 năm 2020, đảm bảo cấp điện cho Hà Nội.
Tuyến đường dây 500kV Thường Tín-Tây Hà Nội được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư xây mới với chiều dài hơn 40km, gồm 96 vị trí cột, điểm đầu là TBA 500kV Tây Hà Nội, điểm cuối là TBA 500kV Thường Tín.
Dự án này được EVNNPT giao cho Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án; Công ty cổ phần thiết kế xây dựng điện 1 là đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty Truyền tải điện 1 thực hiện tư vấn giám sát và quản lý vận hành.
Dự án do các nhà thầu: Công ty cổ phần Lắp máy, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Á (VIETA); Công ty cổ phần Sông Đà 11 (SĐ 11); Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện Địa Phương (RECO) tham gia thi công../.